Sau những ngày tháng rèn luyện trong quân ngũ, anh Cấn Văn Học, quê xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai Hà Nội trở về địa phương xây dựng mô hình chăn nuôi gà đẻ theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay, sau 10 năm xây dựng, mô hình của anh không những giúp phát triển kinh tế gia đình mà còn đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nhiều hộ gia đình đã thành công với mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP. (Ảnh minh họa: KT) |
Đầu năm 2006, anh Học đã mạnh dạn cùng gia đình xây dựng chuồng trại để nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn VietGap của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP. Mô hình chăn nuôi gà sạch của anh Học tuân thủ đúng trình tự áp dụng trong chăn nuôi, nhằm đảm bảo gà được nuôi dưỡng đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo chất lượng trứng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
“Ban đầu khi chưa có kinh nghiệm nên gia đình chỉ dám nuôi gà thử nghiệm. Sau khi học hỏi được nhiều kinh nghiệm cùng với nguồn vốn do nhà nước hỗ trợ, gia đình mới tiến hành nuôi gà với quy mô lớn. Thấy được hiệu quả kinh tế, gia đình tiến hành mở rộng diện tích nuôi. Năm 2009 từ chỗ diện tích chuồng nuôi với 2.000 con gà, đến nay gia đình đang chăn nuôi 20.000 con, cho thu nhập từ 25-30 triệu đồng/tháng”, anh Học chia sẻ.
Khi mới bắt tay vào nuôi gà đẻ sạch theo tiêu chuẩn VietGap, anh Cấn Văn Học cũng phải đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật. Anh Học dành nhiều thời gian đi thăm quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn.
Đến năm 2009, khi đã vững về kỹ thuật, có kinh nghiệm chăn nuôi, tìm được đầu ra cho sản phẩm, đồng thời nhận được sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng, anh Học tập trung xây chuồng trại quy mô lớn trên diện tích 4.200m2 với 20.000 con gà đẻ, trung bình mỗi ngày cho sản lượng 18.000 quả trứng, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Không những phát triển kinh tế gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với mức lương từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/ tháng. Chị Cấn Thị Anh - một người làm tại trang trại nhà anh Học cho biết, với công việc ở trang trại thường xuyên và ổn định, mức lương hàng tháng chị nhận được từ 3,5 – 4 triệu, với điều kiện sống ở nông thôn cũng cơ bản đảm việc bảo chi tiêu trong gia đình.
Không chỉ giỏi làm giàu, anh Cấn Văn Học còn tích cực hưởng ứng tham gia nhiều phong trào tại địa phương. Khi thành phố Hà Nội có chính sách xây dựng nhóm hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn, anh Học đã cùng một số người đi vận động, tập hợp các hộ chăn nuôi trong khu. Hiện nay, nhóm của anh Học có 20 hộ thành viên. Thông qua hoạt động của nhóm, các hộ cùng giúp đỡ nhau vốn, kỹ thuật và hướng dẫn nhiều người trong xã cùng chăn nuôi theo mô hình VietGap, giúp phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Ông Sỹ Danh Huệ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai cho biết, trong vai trò là xung kích trẻ phát triển kinh tế của hội cựu chiến binh các cấp, anh Học là hội viên tích cực, gương mẫu xung kích đi đầu trong phát triển mô hình kinh tế trang trại.
“Anh Học đang là nhóm trưởng phụ trách 20 hộ chăn nuôi gà sạch theo mô hình VietGap phát triển kinh tế gia đình đồng thời tạo điều kiện cho nhiều lao động tham gia có thu nhập ổn định. Hội Cựu chiến binh xã đánh giá đây là mô hình phát triển bền vững, đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương”, ông Huệ cho biết.
Với ý chí không ngại vượt khó vươn lên, anh Cấn Văn Học đã trở thành một trong những điển hình phát triển kinh tế của Hà Nội được các cấp hội biểu dương, khen thưởng và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo./.