Theo chương trình phát triển cơ khí trọng điểm thì đến năm 2010, ngành này sẽ phải đáp ứng 40% - 50% nhu cầu trong nước. Song sau 9 năm triển khai đến tận bây giờ, ngành kinh tế trong điểm này mới chỉ đáp ứng được 34% nhu cầu.

Cũng theo chương trình mục tiêu thì đến năm 2020 cơ khí trong nước sẽ tự sản xuất được khoảng 100 tỷ đến 125 tỷ USD tiền hàng. Đây là thị trường mà rất nhiều quốc gia khác mong muốn. Nhưng theo xếp hạng về hiệu suất công nghiệp, Việt Nam hiện vẫn đứng sau nhiều nước trong khu vực như sau Indonesia 15 bậc, sau Philippines 25 bậc, sau Thái Lan, Malaysia...

Hệ thống 400 tỷ được định giá bằng đống phế liệu

Chưa bao giờ ngành cơ khí lại rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Sản xuất đình trệ, trong khi những doanh nghiệp vẫn tiến hành sản xuất thì phải chấp nhận hàng tồn kho.

Công ty ôtô Xuân Kiên đã phải bỏ ra hơn 400 tỷ đồng để đầu tư những hệ thống khuôn dập. Tuy nhiên, nếu đưa những hệ thống này cho ngân hàng định giá để vay vốn thì chúng chỉ là những đống gang phế liệu.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty này cho biết: “Không ngân hàng nào cho vay vì họ bảo nhìn thì rất quý nhưng nếu ông phá sản thì không bán được đống gang này. Vì gang nhỏ còn cho được vào lò tái chế, gang to như khuôn ở đây chỉ để vứt đi”.

Không vay được vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp này chỉ còn cách huy động vốn từ các nguồn khác, với lãi suất cao hơn cả ngân hàng. Điều này đương nhiên sẽ đẩy chi phí lên cao, đồng nghĩa với tỷ lệ lợi nhuận giảm xuống, khiến nhiều đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản.

Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí trung bình hằng năm có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ phải đóng cửa, hoặc tuyên bố phá sản. Năm nay, khó khăn cũng tìm đến cả những “ông lớn”. Ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh nói: “Chúng tôi đang phải hoạt động cầm chừng và lượng hàng tồn kho ngày càng nhiều”.

Chính phủ ra tay, vốn vẫn chưa đến doanh nghiệp

Ngay từ những năm 2002, Chính phủ đã thông qua chương trình phát triển cơ khí trọng điểm, và ban hành Quyết định 186 để tạo điều kiện hỗ trợ cho ngành. Năm 2009, Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 10 về cơ chế hỗ trợ vốn cho ngành cơ khí. Hai quyết định này được hàng nghìn doanh nghiệp cơ khí mong đợi vì coi như bài toán vốn đã có lời giải. Tuy nhiên sau hơn 3 năm, mọi việc lại không như mong đợi.

Ông Bùi Ngọc Huyên nói: “Chính phủ đã yêu cầu ngân hàng phát triển cho chúng tôi vay 250 tỷ nhưng đến nay vẫn không được vay”.

Thực tế sau 3 năm triển khai quyết định số 10, chỉ có 3 doanh nghiệp được vay ưu đãi một phần trong tổng mức đầu tư. Đó là dự án đầu tư mở rộng chế  tạo máy biến áp 220 kV và 500 kV của Công ty chế tạo thiết bị điện Đông Anh, Nhà máy sản xuất máy biến áp truyền tải 220 - 500 kV công suất đến 450 MW của Tập đoàn Hanaka, Dự án đầu tư Nhà máy chế tạo thiết bị của Công ty Lilama 69-3.

Chưa hết, việc vay vốn này lại bị phụ thuộc rất nhiều vào những quy định bắt buộc từ phía quản trị ngân hàng, vì thế cho dù được nằm trong danh sách ưu tiên vay nhưng tiến độ giải ngân vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của các doanh nghiệp này.

Ông Trần Văn Quang cho biết: “Cho đến thời điểm này tỷ lệ giải ngân cho chúng tôi vẫn còn rất chậm”.

Không được giải ngân kịp thời, nhiều doanh nghiệp lại thêm một lần đánh mất cơ hội phát triển và ngành cơ khí lại thêm một lần khó khăn.

Không thể tay không bắt giặc

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam cho rằng, vấn đề vốn cho các doanh nghiệp cơ khí cần được nhìn nhận ở một góc độ lớn hơn, nhiều ngành và vì lợi ích chung của quốc gia. Vì khó có thể đưa đất nước trở thành quốc gia công nghiệp khi ngành cơ khí vẫn đang tụt hậu.

Ông Thụ nói: “Ngành cơ khí không thể tay không bắt giặc’’, mà phải có sự đầu tư về công nghệ cao để sản xuất theo kịp tình hình thế giới. Phát triển công nghiệp cơ khí đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư dài, kỹ thuật cao và đội ngũ lao động lành nghề. Đây là những nhân tố chúng ta đang thiếu, trong khi công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hầu như chưa có và tính hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp rất kém, khiến ngành trọng điểm này còn èo uột, kém phát triển. 

Theo Tổng cục thống kê, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí, với 53.000 cơ sở sản xuất;

Tổng số vốn của ngành cơ khí quốc doanh 360 – 380 triệu USD; Tổng số vốn FDI vào ngành cơ khí 2,1 tỷ USD.

Hiện mỗi năm, Việt Nam phải nhập khoảng 18 tỷ USD máy móc thiết bị.

Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ thuộc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung Ninh Bình là đơn vị đi tiên phong trong ngành cơ khí, với các dây chuyền công nghệ hiện đại nhập từ Đức và Nhật Bản. Đây là một trong 20 dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm của Nhà nước, trực tiếp sản xuất sản phẩm cơ khí nặng và mới thay thế hàng nhập khẩu. Hiện doanh nghiệp này đã sản xuất được 9/13 chủng loại thiết bị nâng hạ thay thế cho hàng nhập khẩu.

Nhưng tại thời điểm này, hàng chục cần cẩu lớn nhỏ, hàng trăm tấn thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ các ngành đóng tàu, thủy điện, dầu khí vẫn đang bị xếp xó. Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Xí nghiệp này lý giải, nguyên nhân chính là thị trường bất ổn, cơ chế cho vay lãi suất cao, tín dụng bị thắt chặt nên đầu ra cho các sản phẩm cơ khí bị thu hẹp.

Tạo đầu ra bằng chính sách

Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lại có cái nhìn trực diện hơn khi cho rằng, một số chính sách hỗ trợ sản xuất và thuế đối với sản xuất trong nước, so với thiết bị nhập khẩu toàn bộ có sự chênh lệch, khiến giá sản xuất trong nước bị đẩy lên cao hơn. Thí dụ ngành dầu khí đóng được giàn khoan tự nâng. Đối với sản phẩm này, nếu nhập khẩu toàn bộ có mức thuế bằng 0%. Tuy nhiên, khi trong nước chưa sản xuất được toàn bộ, nhà sản xuất phải nhập khẩu một số phụ tùng lại phải chịu thuế. Bất cập này làm đội giá thành và khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài.

Bà Thu Hà cho biết thêm, các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm và được hỗ trợ từ đất nước của họ, như chính sách hỗ trợ xuất khẩu, tín dụng thuế, nên giá họ chào thầu bao giờ cũng thấp hơn Việt Nam. Trong khi đó, Luật Đấu thầu hiện hành lại ưu tiên yếu tố giá rẻ, nên phía nhà thầu nước ngoài bỏ thầu rất thấp và thường chiếm ưu thế áp đảo khi tham gia đấu thầu. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải sửa đổi một số khoản, mục chi tiết trong một số điều của Luật Đấu thầu để các doanh nghiệp trong nước có khả năng tham gia nhiều hơn vào các hợp đồng EPC. Đồng thời trong đấu thầu cần tính tới nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hoá của thiết bị...

Theo bà Thu Hà, chúng ta cần sửa quy định cho cụ thể hơn, chi tiết hơn đối với việc chào thầu, đấu thầu, chọn thầu. Đặc biệt phần đánh giá thầu và phân tích giá trị kinh tế trong so sánh giữa các nhà thầu. Bà nói: “Không nên đánh giá bằng giá thấp nhất mà phải là giá hợp lý nhất. Đồng thời cũng cần đánh giá cả những yếu tố như chi phí vận hành, bảo dưỡng mới có lợi thế chọn nhà thầu Việt Nam. Vì nhà thầu trong nước thuận lợi hơn về bảo trì bảo dưỡng so với nhà thầu nước ngoài”.

Luật đấu thầu hiện hành cũng chưa có nội dung khuyến khích sử dụng hàng trong nước, trong khi chúng ta cũng chưa có hàng rào kỹ thuật với hàng hóa ngoại, nhất là sản phẩm cơ khí… khiến tỷ lệ sử dụng vật tư, máy móc, thiết bị trong nước trung bình năm 2010 chỉ là 53,6% và năm 2011 là trên 52%.

Hiện Nga và Ấn Độ đã có chính sách hạn chế sản phẩm chất lượng kém, giá rẻ vào thị trường bằng việc ban hành quy định các nhà sản xuất phải có cơ sở đủ năng lực bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong nước, không phải chuyển ra nước ngoài. Quy định này hoàn toàn có thể áp dụng vào quá trình đấu thầu ở Việt Nam. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, muốn tạo đầu ra cho các mặt hàng cơ khí thì chính sách của Nhà nước, Chính phủ phải có cơ chế giao hàng và chỉ định thầu./.