Với sự phát triển rất nhanh, truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt, đặc biệt là xuất hiện doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Do đó cần phải tăng cường quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó cũng là nội dung của Hội thảo do Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam tổ chức hôm nay (10/9) tại Hà Nội.

truyennhinhf.jpg
Đã có trên 50% khách hàng sẵn sàng chấp nhận trả tiền để được xem các sản phẩm có chất lượng.

Dịch vụ truyền hình trả tiền xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1993. Từ vài nhà cung cấp truyền hình cáp, đến nay đã phát triển mạnh với hơn 40 đơn vị cung cấp truyền hình cáp. Tỉnh, thành nào cũng có dịch vụ truyền hình cáp, thậm chí 1 số tỉnh thành còn có tới 2-3 nhà cung cấp. Đến nay đã có trên 50% khách hàng sẵn sàng chấp nhận trả tiền để được xem các sản phẩm có chất lượng. Tuy nhiên truyền hình trả tiền cũng gây nhiều phiền toái, bức xúc cho khách hàng khi không giữ đúng cam kết.

Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Hội đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của người dân về truyền hình trả tiền: Thực tế xảy ra hiện tượng: chương trình công bố 10 kênh HD nhưng thực tế ít hơn mà vẫn thu tiền bình thường. Đã xuất hiện doanh nghiệp chiếm thị phần cao dẫn đến độc quyền và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ví dụ tập thể người dân ở Trung Hòa - Nhân Chính, khiếu nại Vinaconex liên kết với Qnet để xây hệ thống truyền dẫn trong tòa nhà. Theo hợp đồng, Qnet được độc quyền cung cấp dịch vụ truyền hình. Những năm đầu thì giá bình thường nhưng sau đó tăng giá. Người tiêu dùng phản đối.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, tổng doanh thu truyền hình trả tiền năm 2011 là 2 tỷ USD; 2012 là 2,5 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng từ 20-25% trong giai đoạn 2011-2015, đây là thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, trên thị trường đã hình thành doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh (SCTV) với 40% thị phần.

Bà Trần Phương Lan, Trưởng Ban giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, hoạt động cạnh tranh diễn ra quyết liệt nhất trong việc đàm phán mua bản quyền truyền hình. Nhất là bản quyền phát sóng các giải bóng đá hàng đầu thế giới. Chi phí mua bản quyền quá lớn (tăng 200% trong 3 năm qua) đã khiến giá thuê bao truyền hình trả tiền tăng liên tục.

Theo bà Trần Phương Lan, cạnh tranh lành mạnh giữa doanh nghiệp sẽ giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm tốt theo nhu cầu. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp lạm dụng vị trí độc quyền gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường là vi phạm Luật cạnh tranh.

“Có phản ánh liên quan đến hiện tượng lạm dụng vị trí thống lĩnh. Ví dụ như vì có vị trí đó mà yêu cầu ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp nội dung. Nếu vậy, doanh nghiệp khác khó tiếp cận công ty cung cấp nội dung. Người tiêu dùng lựa chọn sẽ hạn chế. Hiện Cục Quản lý cạnh tranh giám sát cạnh tranh trên thị trường và sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới. Qua đó sẽ nghiên cứu sâu để có căn cứ để làm việc trực tiếp với doanh nghiệp liên quan điều chỉnh kịp thời và hoạt động theo quy định của pháp luật”- bà Lan cho biết.

Đến nay, cả nước mới có 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên tổng số khoảng 22 triệu dân. Do đó, truyền hình trả tiền còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Với sự gia nhập thị trường của VNPT, Viettel và FPT, thị trường truyền hình trả tiền sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Do đó cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng./.