Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang phản ứng khá gay gắt trước việc một số công ty truyền hình mua bản quyền các chương trình tường thuật trực tiếp giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu để rồi bắt người dân từ nay muốn xem các giải bóng đá đó trên truyền hình thì phải trả tiền.

Sau một kỳ World Cup sôi động, ăn bóng đá, ngủ bóng đá, người hâm mộ Việt Nam lại trông ngóng đến mùa giải mới ở các quốc gia châu Âu như Premier Leagues ở Anh, La Liga của Tây Ban Nha, Seri A ở Italy và Bundesliga ở Đức để lại được sống trong những ngày cuối tuần sôi động, thoả mãn niềm đam mê với trái bóng tròn qua những trận cầu đỉnh cao. Thế nhưng niềm đam mê này năm nay lại “trục trặc”.

Vài năm trước, khi các kênh truyền hình từ Trung ương tới địa phương nỗ lực khai thác phát sóng các giải bóng đá châu Âu, người hâm mộ Việt Nam được sống cùng với không khí bóng đá như những người hâm mộ môn túc cầu khác trên toàn thế giới. Chúng ta cũng đã từng được háo hức đón chờ, thưởng thức những trận cầu kinh điển như Manchester United gặp Asenal của Anh, hay Barselona “chạm trán” Real Madrid ở Tây Ban Nha, Inter Milan tiếp AC Milan ở Italy… Nhưng niềm vui đó cứ cạn dần theo việc hạn chế phát sóng miễn phí của các Đài truyền hình.

Từ những chương trình tường thuật miễn phí phủ sóng cả nước trên VTV3, đã hạn chế chỉ còn phát trên các kênh của VTC, đến nay thì chỉ có ai mua bản quyền của K+ (một kênh truyền hình vệ tinh liên doanh giữa VTV và Canal Plus) hoặc mua đầu thu HD của VTC mới được xem trực tiếp các trận bóng đá hay. Khán giả bắt đầu phải làm quen với việc muốn xem, muốn thoả mãn niềm đam mê bóng đá thì phải trả tiền

Khi trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông), cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động truyền hình trả tiền, cho rằng, Bộ Thông tin - Truyền thông không ủng hộ bất cứ cơ quan truyền hình nào độc quyền những chương trình truyền hình mà người dân ưa thích, cụ thể ở đây là các chương trình bóng đá châu Âu. Khi đông đảo người dân quan tâm tới việc thưởng thức bóng đá lại bị hạn chế bởi việc trả tiền bản quyền truyền hình, cũng đồng nghĩa với việc gián tiếp ngăn lại sự quan tâm đó.

Với mức thu nhập như ở Việt Nam, một nước nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, thì việc trả tiền vài trăm nghìn đồng một tháng cho truyền hình để thoả mãn nhu cầu xem bóng đá là một sự xa xỉ. Điều đó kéo theo số người muốn xem nhưng không thể, hoặc không được xem vì không đủ tiền trả bản quyền sẽ tăng lên, và việc quảng bá văn hoá tới đông đảo quần chúng sẽ bị hạn chế. Liệu điều đó đã thoả đáng chưa?

Để có được hướng giải quyết tích cực cho vấn đề này, cần hội tụ hai điều kiện về chủ trương từ cơ quan quản lý Nhà nước và sự nỗ lực của các đơn vị truyền hình mua bản quyền. Tuy nhiên đến thời điểm này, Quy chế về hoạt động truyền hình trả tiền bản quyền vẫn đang được Bộ Thông tin - Truyền thông chỉnh sửa; Hiệp hội Truyền hình trả tiền bản quyền cũng chưa thể thành lập. Nếu ra đời, Hiệp hội này sẽ có chức năng tìm ra mức giá hợp lý và đảm bảo chất lượng cho các chương trình truyền hình bản quyền hiện nay.

Được biết tuần tới, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ họp với cơ quan truyền hình mua bản quyền các giải bóng đá châu Âu nhằm tìm ra một cách giải quyết thoả đáng nhất, vừa đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, vừa không ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà truyền hình.

Chỉ còn gần một tháng nữa là bắt đầu mùa giải mới của bóng đá châu Âu. Giờ đây người hâm mộ Việt Nam chỉ biết chờ đợi và hy vọng./.