Tại cuộc hội thảo mới đây do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang suy giảm tốc độ tăng trưởng và bộc lộ nhiều bất ổn. Kinh tế Việt Nam từ tốc độ tăng trưởng 8,23% năm 2006 đã tụt xuống còn 5,32% năm 2009 và duy trì mức thấp này cho đến nay (năm 2013, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,4%).
Và nếu cứ trì trệ trong giai đoạn đạt mức thu nhập trung bình, thì Việt Nam sẽ không thể không thể trở thành nước hiện đại hóa- công nghiệp hóa vào năm 2020 như mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, theo PGS, TS Phạm Bích San, rơi vào bẫy cũng là do chúng ta và thoát khỏi bẫy cũng đương nhiên là tùy thuộc vào chính bản thân chúng ta, tất cả tùy thuộc vào việc chúng ta tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa như thế nào.
Trong thời gian qua chúng ta đã quá trông đợi vào các doanh nghiệp Nhà nước. Hàng loạt các thử nghiệm về tổ chức đã được đưa ra cho các doanh nghiệp nhà nước như giải thể, hình thành các tổng công ty, tập đoàn cũng như cổ phần hóa… Tuy nhiên, vai trò của các tập đoàn Nhà nước đã không phát huy được như những gì mà chúng ta mong đợi: tiêu tốn phần lớn nguồn lực quốc gia nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất thấp – cũng như không tạo ra được số công ăn việc làm tương xứng và là nguồn gốc của nạn tham nhũng đang hoành hành.
“Với sự chủ đạo của các doanh nghiệp Nhà nước như vậy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam ngày càng không có cơ hội cải thiện. Một GDP chừng tối đa 5 – 6% dựa chủ yếu vào khả năng đầu tư mở rộng là không đủ cho một quốc gia vượt lên thành nước công nghiệp, có dân số bước vào thời kỳ vàng và đang già hóa rất nhanh”- PGS,TS Phạm Bích San nhấn mạnh.
PGS,TS Phạm Bích San cho rằng, sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy sự mờ nhạt của định hướng thị trường. Các nguyên lý thị trường đã không được sử dụng để định hướng phát triển và phân bố nguồn lực một cách đầy đủ. Cách hành xử kế hoạch hóa tập trung, xin - cho vẫn ngự trị trong các định hướng phát triển.
Vì vậy, cần phải tiến tới phát triển kinh tế thị trường dựa vào kinh tế tư nhân, đồng thời thiết kế lại chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho 30 năm tới...
“Chúng ta phải dứt khoát tuân thủ sự điều tiết của thị trường; Cải tổ thể chế để có thể tạo dựng một nền hành chính hiện đại: trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình, và có sự giám sát của người dân; Kiên quyết tiến hành cổ phần hóa và ngừng vai trò chi phối nền kinh tế quốc dân bởi các doanh nghiệp Nhà nước”- PGS,TS Phạm Bích San nhấn mạnh.
Theo PGS,TS Phạm Bích San, thị trường trong khoảng 30 năm qua đã hình thành nên một lớp doanh nhân mới am hiểu thị trường. Tuy nhiên, sự tham gia của họ vào việc hoạch định các chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa là khá hạn chế, trong khi đó sự tham gia của các nhóm lợi ích khởi nghiệp từ những ưu đãi do những lợi thế phi thị trường lại rất cao. Do vậy, các chính sách trong không ít trường hợp bị tác động của các nhóm lợi ích và không hẳn đã phù hợp với các xu thế phát triển hiện đại cũng như lợi ích phát triển của đất nước.
Bởi vậy, sẽ là tốt hơn nếu có hội đồng chính sách kinh tế quốc gia với sự tham gia nhiều hơn của giới doanh nghiệp tư nhân. Doanh nhân thị trường phải là tầng lớp xã hội cơ bản để chương trình công nghiệp hóa dựa vào.
Dẫn thông điệp của Thủ tướng Chính phủ hồi đầu năm là chúng ta cần “đổi mới thể chế, mở rộng dân chủ” với những mục tiêu cụ thể là “mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực”, PGS,TS Phạm Bích San cho rằng, đây “toàn là những điều mà thời nay Việt Nam đang cần, khi đã qua hơn một phần tư thế kỷ sau ngày Đổi Mới”.
Và như vậy, “lúc này chúng ta biết rõ cần phải làm gì. Và người đứng đầu Chính phủ đã nói rõ ra việc phải làm gì”./.