GS Kenichi Ohno - tại cuộc hội thảo sáng 15/4 |
“Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình”- GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản - đã khẳng định như vậy sáng nay (15/4) tại cuộc hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Theo GS Kenichi Ohno, năm 2008 Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD và trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Kể từ đó, dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình đã trở nên rõ ràng hơn.
Dẫn chứng cho nhận định này, GS Kenichi Ohno đưa ra 5 dấu hiệu: Tăng trưởng của Việt Nam chậm lại; Năng suất lao động kém; Chuyển dịch cơ cấu ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức; Trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu; Gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng.
Cụ thể, GS Kenichi Ohno cho rằng, cơ cấu kinh tế của Việt Nam so với cách đây 20 năm có thay đổi nhưng không rõ ràng. Xuất khẩu hàng chế biến chế tạo chiếm tới 65%, nhưng hầu hết là xuất khẩu của khu vực FDI. Trong khi khu vực FDI xuất khẩu ròng thì khu vực trong nước lại nhập khẩu ròng. Năm 2008, nhập khẩu tăng nhưng là do tiêu dùng và xây dựng bùng nổ, không phải do nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, vì vậy, sản lượng sản xuất không tăng trong năm 2008.
Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu hàng dệt may, da giày, nông sản... Vì vậy, tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc một phần quan trọng từ nguồn lực bên ngoài.
GS Kenichi Ohno còn cho rằng, ở Việt Nam lương tăng nhanh hơn năng suất lao động vì vậy tăng lương không thực chất. Cụ thể, ở Việt Nam giai đoạn 2009- 2012 lương tăng tới 25,9% nhưng năng suất lao động chỉ tăng 3,2%. Trong khi đó, tại Nhật Bản cùng giai đoạn này, lương tăng 9,8% thì năng suất lao động tăng tới 10,1%.
Bên cạnh đó, xếp hạng toàn cầu của Việt Nam chỉ ở mức thấp đến trung bình trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới và không có xu hướng cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Chính vì vậy năng lực cạnh tranh của Việt Nam không được cải thiện.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những vấn đề do tăng trưởng gây ra như khoảng cách thu nhập và tài sản; lạm phát; bong bóng chứng khoán và bất động sản, tắc nghẽn giao thông, thiệt hại môi trường, tham nhũng... Theo GS Kenichi Ohno hiện giá đất tại Hà Nội tương đương với vùng ngoại ô Tokyo, trong khi thu nhập của Việt Nam chỉ bằng 1/30 của Nhật Bản.
Cần hành động ngay
Vậy, làm thế nào để thoát khỏi “bẫy” này? GS Kenichi Ohno cho rằng, Việt Nam phải hành động ngay, đưa ra ngay các chính sách thay đổi trong năm nay. “Tôi rất sợ khi nghe nói Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, sẽ lại có những cuộc thảo luận xem đúng hay chưa. Điều quan trọng theo tôi bây giờ đối với Việt Nam là không phải ngồi thảo luận xem đúng hay không mà cần phải làm gì trước vấn đề này”.
GS Kenichi Ohno cho rằng, Việt Nam có 2 nhóm vấn đề cần làm ngay đó là: Thay đổi tư duy chính sách- trong đó quan trọng là cách nghĩ của người lãnh đạo. Họ phải có tầm nhìn chính sách, cam kết mạnh mẽ, chấp nhận rủi ro và đòi hỏi kết quả. Đối với Chính phủ phải chuyển từ các cuộc thảo luận bất tận sang các kế hoạch hành động và giám sát cụ thể với thời hạn rõ ràng. Việt Nam nên tham khảo, học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới.
Thứ 2 là hoàn thiện các phương pháp chính sách. Trước tiên cần tập trung nâng cao năng suất. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo tiến hành khảo sát và công bố số liệu về năng suất lao động và tiền lương thường xuyên làm cơ sở đối chiếu tạo áp lực sản xuất.
Chính phủ và Doanh nghiệp phải cùng nhau cam kết xác định nâng cao năng suất như chương trình nghị sự quốc gia hàng đầu hướng đến năm 2020 và xa hơn nữa.
Đối với nhà quản lý và người lao động cần thống nhất sẽ nỗ lực hết mình nâng cao năng suất. Việc tăng lương chỉ trong giới hạn tăng năng suất lao động. Những thành quả đạt được của phát triển cần được chia sẻ giữa doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng.
Về chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI, theo GS Kenichi Ohno, Việt Nam không nên đòi hỏi có công nghệ cao ngay vì một nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam nên hấp thu những phương pháp và công cụ phổ biến phù hợp với năng lực của mình từ đó tạo mối liên kết và nâng dần lên.
Việc học hỏi công nghệ từ các doanh nghiệp FDI phải trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Công nghệ học được cần sử dụng thực sự, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong nước cung cấp sản phẩm được cải tiến cho doanh nghiệp FDI như: Honda hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phục tùng; Nhật Bản hướng dẫn nhà xuất khẩu tôm đông lạnh làm thế nào để đảm bảo chất lượng và an toàn cho thị trường Nhật Bản...
Tóm lại theo GS Kenichi Ohno, Việt Nam nên tham khảo cách làm của Thái Lan, tức là mở cửa thị trường, thu hút FDI để hình thành cơ sở công nghiệp; hình thành các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng cho FDI và xuất khẩu...
Việt Nam cũng cần áp dụng cấu trúc chính sách tốt hơn. Thiết lập danh sách các mục tiêu cụ thể và có thể giám sát được cho 3-5 năm tới. Một bảng lớn xác định ai làm gì, khi nào và làm thế nào, đánh giá thành công./.