“Để xử lý nợ xấu thành công, cùng với việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cần có những giải pháp đồng bộ để thị trường mua bán nợ Việt Nam phát triển”. Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo Giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức sáng 8/8,  tại Hà Nội.

no-xau-.jpg
Để xử lý nợ xấu thành công, cần có những giải pháp đồng bộ . (ảnh: Dân trí)

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của quốc tế và trong nước về xử lý nợ xấu. Trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị, giải pháp xử lý nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam trong tình hình hiện tại.

Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Nếu không làm rõ thêm một số quy định về việc mua bán nợ xấu hiện nay thì chỉ có thể bán được một phần nợ xấu, còn nợ xấu cần xóa sổ sẽ không có phương thức xử lý triệt để. Thực tế, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam muốn xử lý nợ nhưng nếu có rủi ro cũng không có cách gì mua được.

Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Hiệnrất ít ngân hàng chấp nhận bán các khoản nợ xấu với giá thực chất hoặc bán tài sản đảm bảo thực chất bây giờ rất thấp so với trước kia vì nhiều lí do. Trong số đó có 1 lý do liên quan đến pháp lý là cơ chế trách nhiệm. Nếu như trước kia anh cho vay 10 tỷ đồng bây giờ anh thu hồi lại chỉ được 5 tỷ đồng. Vậy câu hỏi đặt ra ai sẽ bù lỗ, ai sẽ chịu trách nhiệm? - Đây chính là cơ chế pháp lý đang ám ảnh tất cả các ngân hàng, nếu không giải quyết cơ chế đấy sẽ vẫn còn bế tắc”.

Để quản lý nợ xấu, tối đa hóa lợi nhuận cho các ngân hàng, bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: Khi cho vay, các ngân hàng thương mại phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp; có chứng từ vay vốn rõ ràng; duy trì các kênh liên lạc giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thông tin trao đổi kịp thời. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải tiến hành trích lập dự phòng khi có những phát sinh khoản thu khó đòi. Bà Trần Thị Hồng Hạnh nói: Trong năm nay khi nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn nhất định, và cầu về vốn vẫn cao nhưng khả năng hấp thụ vốn lại hạn chế. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp hạn chế về đầu ra nên luân chuyển vốn không lưu thông được. Nếu không lưu thông được sẽ dẫn đến hấp thụ vốn tín dụng, rất khó khăn nếu đầu tư thêm sẽ thêm gánh nặng nợ nần của các doanh nghiệp. Vì vậy vấn đề mấu chốt ở đây là giải quyết được một cách tổng thể đầu ra cho doanh nghiệp cả về ngắn hạn và dài hạn”.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng có nhiều cách để xử lý các khoản nợ xấu, trong đó có việc chuyển nợ xấu thành vốn góp tại doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có tiềm năng./.