Diễn biến mới xung quanh việc người dân phản ứng mạnh mẽ việc thu phí trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang gây xôn xao dư luận và giới chuyên gia.

Nhiều ý kiến và quan điểm xung quanh vấn đề này được đưa ra. Để có đánh giá từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, người dân, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và chuyên gia của Đại học Fulbright Việt Nam.

085946-1.jpg

PV:Thưa ông Đức, vụ việc xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) đang khiến xôn xao dư luận, nhìn rộng ra, theo ông, đây có phải là vấn đề cố hữu mà xã hội đang gặp phải xung quanh chủ trương xã hội hóa xây dựng đường bằng hình thức BOT?

Ông Nguyễn Minh Đức: Không chỉ ở Cai Lậy mà gần đây mà các dự án BOT đường bộ hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến người tham gia giao thông, rất nhiều nước đã đưa vấn đề đấu thầu rộng rãi để nhà thầu nào đưa ra mức thu phí đối với người dân thấp nhất sẽ trúng thầu.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam không áp dụng đấu thầu mà chỉ định lựa chọn nhà đầu tư. Tôi cho rằng, điều này đã tước đoạt đi cơ hội kinh doanh và giảm phí đường bộ đối với người dân.

Thủ tục đầu tư các dự án BOT liên quan đến minh bạch, trong pháp luật của Việt Nam chưa có quy định lấy ý kiến của người dân về các dự án này. Tất nhiên, đây là dự án có ảnh hưởng đến người dân địa phương, người đi đường, tôi cho rằng đó là điều không phù hợp.

PV: Việc thiếu minh bạch có phải là điểm xung đột lớn nhất, điều này có phải là căn nguyên của các cuộc đấu tranh về phí của các đường BOT thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Đức: Đối với hình thức BOT, Nhà nước thay mặt nhân dân ký hợp đồng với nhà đầu tư. Trong trường hợp này phải lấy ý kiến của người dân, không thể bỏ qua được.

Tuy nhiên, các điều khoản hợp đồng BOT vừa qua đều có điều khoản bảo mật. Tôi cho rằng điều này là không phù hợp. BOT là hợp đồng hành chính, nhưng các bên toàn sử dụng nó như hợp đồng dân sự để giải quyết vấn đề.

Về bản chất, hợp đồng dân sự “tôi” và “anh” ký kết điều khoản với nhau, đều có điều khoản giữ bí mật, nếu bên nào tiết lộ cho bên thứ 3, bên đó sẽ phải bồi thường... Tuy nhiên, với hợp đồng BOT là dạng hợp đồng hành chính công phục vụ cho lợi ích Nhà nước và người dân. Quản lý hành chính công không thể bảo mật được, nó không phải là an ninh quốc gia, quốc phòng phải giữ bí mật. Việc duy trì bảo mật trong hợp đồng BOT là điều cực kỳ phi lý, cần được bãi bỏ.

PV:Người dân và chủ đầu tư xung đột, ngoài phí cao, còn ở tính minh bạch? đặc biệt người dân không được giám sát suất đầu tư và tham gia giám sát thu phí. Điều này theo ông phải thay đổi?

Ông Nguyễn Minh Đức: Tính minh bạch phải được ưu tiên hàng đầu, nó ảnh hưởng đến các nội dung hợp đồng. Đi sâu vào hợp đồng, có nhiều điểm không phù hợp. Tôi lấy ví dụ, như xác định tổng mức đầu tư của kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư vênh lên rất nhiều, nhiều chủ đầu tư không tiêu hết tiền đó. Nếu các đơn vị kiểm toán không làm rõ, thì phần không chi đó vẫn được tính vào chi phí vốn, tổng mức đầu tư và người dân vẫn phải trả tiền dù chủ đầu tư không bỏ tiền.

Tiếp theo nguyên tắc tính lưu lượng xe là bất cập, vẫn tính trên khảo sát của Cục Đường bộ và từ phía DN, điều này nảy sinh chủ đầu tư thu 10 chỉ báo 1, thực tế nó đã xảy ra ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ rồi. Điều này dẫn đến khoản rất lớn tiền của người dân hoàn toàn không trả cho con đường mà vào tay nhà đầu tư.

PV:Dân đang bức xúc về cơ sở tính phí và thời gian tính phí, nhiều km đường cũ sửa lại vẫn thu phí như mới? Trong khi đó, người dân không hề được biết số tiền của các chủ đầu tư thu hàng ngày, số lượt phương tiện đi qua bao nhiêu để giám sát?

Ông Nguyễn Minh Đức: Việc tính toán thu phí, theo tôi biết hiện không có cơ sở tính phí rõ ràng tại các trạm BOT và kiểm soát cách tính đó bởi người thụ hưởng. Trong các hợp đồng BOT, đàm phán giữa chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước theo cách tính phí: Theo chất lượng mặt đường, theo thời gian và theo suất đầu tư.

Trước đây khi Nhà nước đầu tư, việc giám sát chi được giám sát kỹ, ví dụ: DN Nhà nước được giao làm được, họ có thuê thầu phụ, người cung cấp vật tư... hoạt động này hoàn toàn phải qua đấu thầu và giám sát của cơ quan Nhà nước.

Còn đối với BOT, chúng ta chỉ định đầu tư, tiếp theo nhà đầu tư lại sử dụng các dịch vụ không phải qua đấu thầu. Điều này có thể xảy ra hiện tượng có thể nhà đầu tư mua giá rất cao từ các công ty con, công ty liên kết và công ty sân sau.

Đây là những lỗ hổng và nguy cơ để tiền ra được một cách dễ dàng. Nhiều người nói là tiền chủ đầu tư, tư nhân, nhưng xét cho cùng cuối cùng vẫn là tiền của người dân, Nhà nước, người đi đường hoàn trả cả lãi suất.

Cũng về vấn đề này ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế Trường Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ với phóng viên Dân Trí nhiều quan điểm về các dự án BOT đường bộ đang bất cập hiện nay.

Theo ông Thành, các quyết định đầu tư và cách thức điều chỉnh đầu tư BOT hiện nay không công khai, điều này nảy sinh kẽ hở và biến tướng BOT.

Nguyên tắc là hợp đồng đàm phán BOT đều phải công khai vì nó động chạm đến người dân và là chủ trương huy động vốn (cộng lãi suất) để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến xã hội, đến chi phí người dân phải gánh chịu.

Chủ đầu tư nói phải thu như vậy mới đủ bù chi phí, lãi vay nhưng thông tin, căn cứ nào để đưa ra quyết định đó lại không công khai. Câu chuyện người dân phản ứng ở trạm BOT Cai Lậy, theo tôi đó là phản ứng khôn khéo.

"Khi chọn lựa chủ đầu tư dự án BOT đường bộ, chúng ta đang chỉ định lựa chọn nhà đầu tư. Giải trình của cơ quan chức năng là dự án không đủ hấp dẫn, cuối cùng chỉ một nhà đầu tư tham gia. Rồi viện nguyên nhân do tình hình là cấp bách, ách tắc nên phải làm nhanh, gấp, tổ chức đấu thầu lâu, nên chỉ bắt buộc định lựa chọn nhà đầu tư", ông Thành nói.

Tuy nhiên, theo ông Thành, thực tế khi chào thầu, cơ quan Nhà nước đưa các điều kiện không hấp dẫn, thậm chí khó. Tuy nhiên, khi không có ai tham gia thầu, buộc phải chỉ định lựa chọn nhà đầu tư, thì vấn đề nảy sinh, các nhà đầu tư lập luận lại đòi hỏi các điều kiện, điều chỉnh, làm thêm hạng mục này và phí cao hơn.../.