Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, mục tiêu đến 2030 TP Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng đô thị thông minh trong nước và trong khu vực ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, Thành ủy Đà Nẵng xây dựng Nghị quyết số 05 và Đề án chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố xác định chuyển đổi số là động lực tạo bước đột phá trên các lĩnh vực, hướng tới xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống.
Một trong những thành công bước đầu của TP Đà Nẵng trong chuyển đổi số là triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích và nhiều kênh để người dân, DN tiếp cận sử dụng. Qua đó, tạo được sự tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số. Nhiều ứng dụng mang lại hiệu quả cao như nền tảng tích hợp đa dịch vụ, tiện ích Danang Smart City, nền tảng công dân số MyPortal, Cổng Góp ý Đà Nẵng và cứu hộ, ứng dụng Cho và Nhận, Tổng đài 1022, ứng dụng Chatbot tự động tư vấn hướng dẫn thủ tục hành chính và dịch vụ công…
Bà Nguyễn Thị Lan, người dân ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết, chuyển đổi số đã giúp người dân và chính quyền gần gũi hơn, thuận lợi hơn trong giải quyết các thủ tục hành chính. “Bà con nhân dân đã thuận tiện hơn trong việc mua sắm cũng như thực hiện các thủ tục hành chính. Thủ tục nhanh gọn hơn và thuận tiện hơn, người dân không phải đi lại nhiều lần”, bà Lan nói.
TP Đà Nẵng xác định, ngành công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông là lĩnh vực lõi của kinh tế số, có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của thành phố cao nhất. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2021 của Đà Nẵng đã đóng góp gần 13% GRDP của địa phương. Hiện nay, TP Đà Nẵng đã xây dựng Sàn Thương mại điện tử và ứng dụng di động giúp DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Đến nay, đã có hơn 1.000 DN và 2.500 sản phẩm tham gia sàn và100% DN ở Đà Nẵng sử dụng hóa đơn điện tử. Mô hình chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt tại 3 chợ quy mô cấp thành phố với hơn 1.000 tiểu thương tham gia góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại. Thành phố cũng đang hoàn thiện Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế quy mô khu vực theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đà Nẵng thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử năm 2021, sau Hà Nội và TP.HCM.
“Trong công tác xử lý hồ sơ, thay vì DN lên - xuống bộ phận 1 cửa nhiều lần để chỉnh sửa và nộp hồ sơ, hiện tại DN có thể nộp hồ sơ qua mạng cũng như tất cả công đoạn chỉnh sửa hồ sơ đều được thực hiện tại nhà”, vhị Hồ Thị Như Nga, chủ DN tư nhân Thành Đạt cho biết.
Trên lĩnh vực du lịch, TP Đà Nẵng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong lĩnh vực du lịch để tăng trải nghiệm và thu hút du khách. Đó là ứng dụng du lịch Da Nang Fantasticity, ứng dụng Chatbot du lịch, bản đồ số điểm di tích thành phố, ứng dụng “Một Chạm đến Đà Nẵng” - VR360, ứng dụng Chatbot hỗ trợ khách du lịch, sàn giao dịch du lịch trực tuyến và Hội chợ du lịch ảo trực tuyến. Thành phố cũng đưa vào sử dụng thẻ du lịch thông minh…
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, nhiều DN du lịch đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số, nâng cấp cơ sở dịch vụ tiện nghi và thông minh hơn để thu hút du khách. “Các Dn đã kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ chuyển đổi số để tạo ra những trải nghiệm mới. Việc thắp sáng, tạo mỹ quan không chỉ lĩnh vực du lịch mà còn ở các lĩnh vực kinh tế xã hội khác của thành phố. Đặc biệt, các hoạt động về kinh tế đêm góp phần tạo cho Đà Nẵng trở thành điểm đến lung linh hơn, hấp dẫn hơn”, ông Bình cho biết.
Hiện nay, 100% dịch vụ hành chính công của Đà Nẵng đủ điều kiện triển khai trực tuyến mức 4. Thành phố Đà Nẵng hoàn thiện việc mỗi người dân trưởng thành có tài khoản giao dịch điện tử, có 1 hồ sơ sức khoẻ điện tử kết hợp với mã ID duy nhất, mỗi học sinh có 1 mã ID duy nhất gắn với học bạ điện tử. Năm 2021, thành phố Đà Nẵng lần thứ hai liên tiếp đoạt Giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam” lần thứ hai liên tiếp đoạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Tháng 7/2022, TP Đà Nẵng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận cho hạng mục cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia…
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã chọn Ngày 28/8 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số cũng như đang triển khai mô hình chính quyền đô thị, dựa trên hai nguyên tắc chính là phân cấp và uỷ quyền. “Việc triển khai đô thị thông minh, ứng dụng thông minh giúp công khai, cung cấp dữ liệu cho các cơ quan tới người dân. Việc giám sát phân cấp uỷ quyền cũng tốt hơn đang thể hiện quyết tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố và sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền, người dân và DN”, ông Thạch thông tin.
Nghị quyết Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm đột phá: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin gắn với khởi nghiệp, sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hộ số và chính quyền số.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, thành phố khai thác tối đa mọi nguồn lực, cộng đồng DN cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình chuyển đổi số. “Với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, du lịch, thương mại và tài chính, Đà Nẵng cần hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. TP Đà Nẵng đã ban hành các chính sách quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó, Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xác định là một trong những dự án mang tính động lực để phát triển./.