1 ngày 6 ca học bơi được chia vào 2 buổi sáng, chiều, dưới sự đào tạo của 2 huấn luyện viên. Đây là lịch học bơi ngoại khóa trong những ngày hè của 300 học sinh khối 10 trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội).

Ngay từ 6h30 phút sáng, hàng chục học sinh khối 10 đã tham gia học bơi tại 2 bể bơi thông minh được đặt giữa sân trường. Các em rất hào hứng khi tham gia khóa học này, bởi học bơi không chỉ rèn luyện thể chất mà còn giúp các em tự bảo vệ bản thân mình và cứu người khi gặp tai nạn đuối nước.

Em Phạm Quang Hùng (học sinh lớp 10, trường Phan Huy Chú – Đống Đa) cho biết: “Tham gia khóa học bơi này từ đầu cấp, em rất thích và rất hứng thú khi tham gia. Môn bơi rất quan trọng trong cuộc sống, nếu không biết bơi thì khi gặp một số trường hợp sẽ bị đuối nước mình sẽ không thể tự bảo vệ bản thân mình và cũng không thể tham gia cứu người bị nạn khi gặp tai nạn đuối nước. Em rất mong môn bơi lội được đưa vào chương trình học của nhà trường để chúng em được tiếp cận các kiến thức về phòng, chống tai nạn đuối nước”.  

Thầy Hoàng Trung Thuấn - Tổng chủ nhiệm các Câu lạc bộ Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cho hay, hoạt động ngoại khóa này đã được thực hiện tại trường từ 5 năm nay, được mở ra cho học sinh lớp 10 khi các con vừa mới nhập trường. Mục tiêu chính là rèn luyện sức khỏe cho các con qua môn bơi lội, thứ 2 là trang bị cho các con kiến thức về phòng, chống đuối nước, thứ 3 là khi các con chưa được phân chia vào các lớp học, khi tham gia các hoạt động tập thể sẽ rèn cho các con tính tập thể, đoàn kết. Qua hoạt động bổ ích này, nhà trường mong các con có nhiều hơn nữa các hoạt động về thể lực để có thể kết nối với nhau, yêu thương nhau, yêu trường, yêu lớp hơn. Trong bối cảnh có nhiều tai nạn thương tích xảy ra trong thời gian qua thì những hoạt động ngoại khóa này là rất cần thiết.

“Do diện tích hạn hẹp, nhà trường không có điều kiện để xây bể bơi, 5 năm qua, trường phải thuê bể bơi thông minh và mở các lớp học ngoại khóa để phục vụ học sinh. Nhiều học sinh trước đó chưa biết bơi,  nhưng khi vào học, được thầy cô hướng dẫn kỹ thuật bơi chuẩn, bài bản, chỉ 2-3 ngày sau các con đã biết bơi. Sau khi kết thúc khóa bơi, các con sẽ có 1 bài kiểm tra và được tham gia một cuộc thi bơi. Đây là hoạt động mang tính trải nghiệm, ngoại khóa được nhà trường tổ chức nhằm giúp đỡ các con. Nếu sau 1 tuần học, học sinh nào chưa bơi được thì sẽ tiếp tục được học một khóa bơi nữa, đến khi nào biết bơi thì nghỉ”, thầy Hoàng Trung Thuấn nói. 

Đây chỉ là một trong số ít các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội có điều kiện tổ chức các khóa học ngoại khóa về bơi lội cho học sinh. Thực tế hiện nay, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh tại nhiều trường còn rất hạn chế do chưa có cơ chế để huy động nguồn kinh phí nhằm duy trì hoạt động của bể bơi. Cùng với đó, đội ngũ nhân lực để dạy bơi ở các trường phổ thông, trường tiểu học cũng còn thiếu và yếu. Hiện vẫn còn nhiều giáo viên giáo dục thể chất chưa được tập huấn, cấp chứng chỉ dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh theo quy định của ngành giáo dục.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc biết bơi, các nhà trường cũng chú trọng đến môn học này nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là không đủ kinh phí để xây dựng bể bơi. 

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích. Trong đó, số trẻ em tử vong do đuối nước lên tới 3.500 em. Riêng từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 100 trẻ tử vong do đuối nước, một số vụ có nhiều trẻ tử vong cùng lúc. Đáng lo ngại, Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.

Từ nhiều năm nay, tai nạn đuối nước là nỗi ám ảnh của tất cả các bậc phụ huynh mỗi dịp hè về, họ mong muốn, môn bơi lội được phổ cập trong chương trình học của các nhà trường, để con em mình có thêm kiến thức phòng, tránh tai nạn thương tích.

  

Chị Ngô Cẩm Thạch (Mai Động, Hà Nội) chia sẻ, việc phổ cập môn bơi lội trong nhà trường là rất cần thiết, nên đưa vào chương trình học như môn học bắt buộc, nhằm trang bị kỹ năng sống cho học sinh, giúp các con có thêm một hoạt động tập thể bổ ích, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tăng sự hiểu biết về chống đuối nước để tự bảo vệ bản thân. Đây cũng là một hoạt động nhằm nâng cao giáo dục toàn diện trong nhà trường giúp các em có lối sống lành mạnh, tích cực, chủ động hơn khi bảo vệ chính mình.

“Chúng tôi sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi các con biết bơi và được học môn bơi lội trong trường học. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra thì môn học này nên được phổ cập trong các trường học”, chị Thạch nói.

Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), một trong những khó khăn lớn nhất của các nhà trường trong việc phổ cập môn bơi lội hiện nay là vấn đề tài chính, sau đó là nguồn nhân lực. Thực tế, tại nhiều trường, giáo viên dạy thể dục lại không phải là giáo viên được đào tạo ở chuyên ngành thể dục, thậm chí là những cô giáo đang mang bầu hay thầy giáo không biết chút gì về bơi lội… như vậy thì làm sao có thể dạy được. Cho nên, tiềm lực về con người là quan trọng bậc nhất, hiện nay ngành giáo dục đang thiếu vì chưa phát huy nội lực và vận động cộng đồng.

“Nên phổ cập môn bơi lội trong các nhà trường, bơi lội có nghĩa là phải hướng dẫn, hỗ trợ các em học sinh kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng tồn tại trong môi trường nước, sau đó là các môn bơi thông dụng, thông thường như bơi chó, bơi ếch. Ngành giáo dục phải rất linh hoạt và cần vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ, để tạo điều kiện cho các con được học tập, được trau dồi kỹ năng bơi lội, kỹ năng tồn tại dưới nước”, ông Nguyễn Trọng An cho hay./.