Gia đình anh Nguyễn Hữu Tân (ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) trước đây làm nghề câu mực. Đối tượng đánh bắt của nghề này ngày càng giảm nên 4 năm trước gia đình anh quyết định chuyển nghề. Thời điểm đó nghề lưới kéo (người dân địa phương quen gọi là cào) đang thịnh hành và cho thu nhập rất cao. Tuy nhiên, lưới kéo được xem là nghề đánh bắt theo kiểu “tận diệt” nên gia đình anh Tân không chọn làm mà đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng để làm nghề lưới rê, hướng tới đánh bắt bền vững.
Theo anh Nguyễn Hữu Tân, ngư dân hiện nay nhận thức được đâu là những nghề đánh bắt đảm bảo bền vững nhưng không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đổi nghề. Đặc biệt, những hộ gia đình sống bằng nghề khai thác ven bờ thì càng khó khăn hơn.
“Về nguồn vốn không đảm bảo để đầu tư vươn khơi. Nhiều ngư dân vẫn hoạt động trong tuyến bờ. Việc hỗ trợ vốn cho ngư dân phát triển cũng có một số chính sách nhưng ít người dân tiếp cận được. Khó khăn lớn nhất của ngư dân là thiếu vốn bám biển” - anh Tân nói.
Để khôi phục và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ, một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành chức năng tỉnh Cà Mau đang thực hiện là siết chặt quản lý các phương tiện đánh bắt. Tại xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) có hơn 500 phương tiện đánh bắt thì có đến 413 phương tiện dưới 20 CV thực hiện đánh bắt ven bờ. Hiện tất cả các phương tiện này đã bắt buộc phải ký cam kết thực hiện khai thác bền vững.
Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết, trong số các chủ phương tiện ký cam kết có rất nhiều phương tiện phải thực hiện chuyển đổi nghề hoặc thay thế công cụ đánh bắt nhằm bảo vệ nguồn lợi ven bờ. Ngoài ra, trong đóng mới phương tiện và đăng ký ngành nghề đánh bắt, chính quyền địa phương cũng hướng dẫn bà con thực hiện những nghề đánh bắt đảm bảo định hướng phát triển. Tín hiệu khả quan là ý thức người dân đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
“Tập trung tuyên truyền, qua đó, ý thức người dân đã có nhiều chuyển biến. Cụ thể, số lượng ghe đánh bắt ven bờ từng bước tăng lên. Đầu 2017,có 47 phương tiện nhưng hiện đã tăng lên gần 90. Sản lượng đánh bắt đạt cao hơn, đời sống người dân được nâng lên” - ông Ngạn cho biết.
Vào cuối năm 2018, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch thực hiện mô hình chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng đề án tổng thể cho việc thực hiện kế hoạch này.
Theo ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau, đề án chuyển đổi nghề khai thác được thực hiện để giảm bớt sát hại nguồn lợi hải sản. Hiện đã có 10 hộ dân được hỗ trợ thí điểm chuyển đổi, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, nguồn lực nhà nước hiện chưa đảm bảo để thực hiện đề án. Một khó khăn khác là người dân phải có 50% vốn đối ứng khi được hỗ trợ chuyển đổi nhưng không phải hộ nào cũng đáp ứng được. Từ đó, kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân sẽ được thực hiện từng bước. Ngoài ra, các ngành nghề chuyển đổi cũng hướng tới sự đa dạng để đảm phù hợp với điều kiện, nhu cầu của bà con.
“Ngoài việc chuyển nghề khai thác từ sát hại sang ít sát hại. Chúng tôi cũng tính đến chuyển từ khai thác sang nghề khác như nuôi trồng thủy sản hay lên bờ chăn nuôi, trồng trọt. Việc thực hiện đào tạo nghề lao động nông thôn theo nhu cầu cũng được tính toán đến” - ông Triều nói.
Nguồn lợi hải sản ven bờ trong những năm gần đây đã suy giảm rất rõ rệt. Việc chuyển đổi ngành nghề, hướng tới khai thác bền vững nguồn lợi hải sản là cần thiết. Ngành chức năng đã bắt tay vào thực hiện, bước đầu đã có những tín hiệu tích cự. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ để việc chuyển đổi nghề khai thác hải sản ven bờ đạt hiệu quả./.