Sau khi tăng điểm mạnh nhất trong vòng 2 năm vào ngày 18/11 năm ngoái nhờ chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện chương trình cải cách lớn nhất kể từ năm 1990, chỉ số Hang Seng China Enterprises trên thị trường Hồng Kông đã trở thành chỉ số giảm điểm mạnh nhất trên thế giới.

Cụ thể, kể từ ngày 18/11/2013, chỉ số Hang Seng China Enterprises (Mã HSCEI) đã giảm 13%, tính tới phiên 13/5/2014 và trở thành chỉ số giảm mạnh nhất trong 70 chỉ số chứng khoán thế giới được theo dõi bởi Bloomberg.

i2nqo1fad5ka.jpg
Những số liệu kinh tế công bố gần đây của Trung Quốc đều gây thất vọng (Ảnh: Bloomberg)

Tính đến ngày hôm qua, chỉ số gồm các cổ phiếu mà JPMorgan Chase & Co. cho rằng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc cải cách đã giảm 10% kể từ đầu năm. Kế hoạch liên kết các sở giao dịch ở Hồng Kông và Thượng Hải, vốn giúp thị trường tăng điểm trong suốt 2 năm kể từ lần đầu tiên công bố năm 2007, giờ đây chỉ giúp tăng điểm trong một ngày duy nhất khi nó được tái đề cập vào tháng 4 vừa qua.

Tác động trái chiều của chính sách cải cách và suy giảm kinh tế cũng xuất hiện trong tuần này. Shanghai Composite Index (Mã SHCOMP) đã tăng 2,1% đầu tuần này khi Quốc hội Trung Quốc tuyên bố tăng cường cải tổ, trong đó có nới lỏng giới hạn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ số này lại giảm 0,1% vào hôm qua sau số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ lao dốc. Chỉ số theo dõi các cổ phiếu Trung Quốc được giao dịch mạnh nhất tại Mỹ của Bloomberg cũng giảm 0,2%.

Theo ông Patrick Ho, chuyên gia kinh tế đến từ Công ty quản lý tài sản UBS, chính sách cải cách của Trung Quốc đã bị “phủ bóng đen” bởi những số liệu kinh tế không mấy khả quan, sự suy giảm trong thị trường bất động sản và sự mất giá của đồng Nhân dân tệ.

Số liệu công bố mới đây cho thấy, sản lượng sản xuất công nghiệp tăng 8,7%; thấp hơn con số dự đoán 8,9% của các chuyên gia kinh tế Bloomberg. Các công trình xây dựng mới cũng giảm 22% trong quý I/2014, trong khi doanh thu từ nhà đất giảm 18% trong tháng 4 vừa qua. Đồng Nhân dân tệ cũng giảm 2,8% so với đồng USD trong năm nay và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2012.

Tháng 11 năm ngoái, khi chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch cải cách, Goldman Sachs đã nâng xếp hạng triển vọng chứng khoán của Trung Quốc; Citigroup cũng dự đoán thị trường này sẽ đem lại mức lợi nhuận tối thiểu là 20% trong năm 2004. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lại tập trung vào nguy cơ suy thoái của nền kinh tế. Theo Tập đoàn đầu tư tài chính CLSA tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương, thay vì hỗ trợ nền kinh tế, việc chính phủ tập trung vào cải cách có thể cản trở tăng trưởng do các nhà hoạch định chính sách coi nhẹ tầm quan trọng của tăng trưởng trong ngắn hạn.

Chuyên gia tài chính từ Công ty quản lý tài sản Edmond de Rothschild tại Hồng Kông - David Gaud cho rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày càng bi quan, bất chấp động thái của Trung Quốc là gì. Những biện pháp như kế hoạch liên kết hai cơ sở giao dịch chỉ có thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc; đồng thời quá trình liên kết phải mất 6 tháng nữa mới hoàn tất.

Ông Patrick Ho nhận định: “Thị trường đang theo dõi các rủi ro suy giảm với nền kinh tế. Tôi cho rằng sẽ còn nhiều biến động nữa".

Đồng thời, việc thiếu chi tiết trong một số kế hoạch cải tổ, như liên kết hai sàn chứng khoán, đã khiến các nhà đầu tư chùn chân, ông David Gaud cho biết./.