Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, năm 2013, điều hành các mức lãi suất của NHNN phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát. Tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VND để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, xem xét bỏ trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống TCTD cải thiện vững chắc. Trường hợp lạm phát của năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp hơn năm 2012, tiếp tục điều hành theo hướng giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát.

Cơ quan này cũng sẽ điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở. Thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý cho các mục đích hỗ trợ thanh khoản, phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, cho vay đối với các đối tượng mua nhà ở xã hội, hỗ trợ quá trình giải quyết nợ xấu và thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Nhìn lại năm 2012, NHNN cho rằng, điều hành lãi suất đã định hướng, dẫn dắt thị trường, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh so với cuối năm 2011. Đến cuối năm 2012, mặt bằng lãi suất huy động VND giảm 3-6%/năm, lãi suất cho vay giảm 5-9%/năm so với cuối năm 2011 và đã trở về mức lãi suất vào cuối năm 2007.

Các giải pháp tín dụng được điều hành linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD, cơ cấu tín dụng chuyển hướng tích cực phù hợp với chủ trương chống đô la hóa và tập trung vốn vào hoạt động sản xuất-kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%. Trong đó,  tín dụng VND tăng 11,51%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011, phù hợp với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ. Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 8%, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 14%, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 6,15%. Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% so tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Các giải pháp tín dụng được điều hành linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD, cơ cấu tín dụng chuyển hướng tích cực phù hợp với chủ trương chống đô la hóa và tập trung vốn vào hoạt động sản xuất-kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.Đến cuối năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%. Trong đó,  tín dụng VND tăng 11,51%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011, phù hợp với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ. Tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 8%, tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 14%, tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 6,15%. Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% so tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Thanh khoản bằng VND của hệ thống các TCTD được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ hàng loạt từ cuối năm 2011 đã được đẩy lùi, các TCTD đã chú trọng hơn trong việc  quản trị rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống.

Năm 2013, tăng trưởng tín dụng 12%

NHNN cho hay, sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; tiếp tục cho phép các TCTD tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, thực hiện đến hết năm 2013.

Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối sẽ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế. Phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các biện pháp để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường ngoại tệ, vàng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Tiếp tục tổ chức, sắp xếp chặt chẽ thị trường vàng, chuyển hóa hoàn toàn quan hệ huy động và cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng. Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, đảm bảo sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng./.