Nhân dịp kỷ niệm 50 năm hoạt động của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 20 năm hoạt động của văn phòng đại diện ADB tại Việt Nam, Chủ tịch ADB -  ông Takehiko Nakao có chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 15-16/6/2016.

gap_go_adb_pwbf.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp Chủ tịch ADB Takehiko Nakao.

Trong chuyến thăm và làm việc này, chiều nay (16/6), ông Takehiko Nakao và đoàn công tác có buổi làm việc với ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hai bên trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như chính sách, giải pháp đang được Chính phủ thực hiện để ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, đồng thời trao đổi các định hướng, chính sách, hoạt động của ADB trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá: ADB là một trong những đối tác, nhà tài trợ quan trọng của Việt Nam. Tính đến hết năm 2015, tổng vốn cam kết tài trợ của ADB là khoảng 11,5 tỷ USD. Tổng số vốn hỗ trợ kỹ thuật theo hình thức viện trợ tính đến năm 2015 là 253 triệu USD. Tổng vốn giải ngân lũy kế đến 2015 là khoảng 6,4 tỷ USD.

Lĩnh vực tài trợ của ADB khá rộng, gồm đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực, hỗ trợ cải cách chính sách, thể chế, các chương trình xóa đói giảm nghèo, và các hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực, thể chế… Ngoài ra, ADB đang cung cấp nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính tập trung vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (phải) và Chủ tịch ADB Takehiko Nakao.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những hỗ trợ của ADB đã góp phần giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu đặt ra của mình, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách tài chính công, phát triển thị trường chứng khoán, hải quan,... Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của ADB trong thời gian tới.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Để đảm bảo phát triển kinh tế 5 năm tới theo hướng bền vững, Chính phủ Việt Nam đã tập trung đánh giá lại tình hình phát triển kinh tế cũng như xác định những khó khăn thách thức trước mắt để đưa ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Trong đó, về vấn đề nợ công, ngoài việc tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh sát trần Quốc hội cho phép, cơ cấu nợ công cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Do yêu cầu đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, Chính phủ Việt Nam đã huy động các nguồn lực trong nước bên cạnh việc huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế với thời hạn vay trong nước dài hơn và lãi suất giảm đi. Đây là một bước quan trọng để tái cơ cấu nợ công.

Bộ Tài chính cũng đang triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách,... góp phần đảm bảo an toàn nợ công và bền vững ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về đảm bảo an toàn nợ công với nhiều giải pháp đảm bảo trần nợ công cũng như hiệu quả sử dụng như rà soát hoàn thiện pháp luật về quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, cách giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại, tái cơ cấu thị trường chứng khoán, tăng cường hợp tác công tư - PPP; các chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ,...

Bộ trưởng đề nghị ADB tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn ưu đãi cho Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ Chính phủ trong việc hỗ trợ vay, thời hạn vay cũng như lựa chọn các dự án hiệu quả, thu hồi nhanh để đầu tư.

Đoàn công tác của ADB chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Tài chính

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao đánh giá lạc quan về những kết quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua như: duy trì tăng trưởng cao, cũng như các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng. Chủ tịch ADB cho rằng: Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên sắp tới các khoản vay ưu đãi cao sẽ hạn chế hơn, thay vào đó là các khoản vay ít ưu đãi hơn. Tuy nhiên, hầu hết các khoản vay do ADB cung cấp vẫn có lãi suất thấp hơn khoảng 5% so với lãi suất thị trường.

Đặc biệt, Chủ tịch Takehiko Nakao khẳng định: Bên cạnh tài trợ nguồn vốn cho các dự án, ADB còn cung cấp kèm theo nhiều hoạt động khác như cung cấp tri thức, hỗ trợ kỹ thuật,... cho Việt Nam trong thời gian tới. Ông Takehiko Nakao bày tỏ tin tưởng dù trong bối cảnh nào, Việt Nam vẫn có thể phát triển và đạt được những mục tiêu đặt ra./.