Sáng 21/11, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai hóa đơn điện tử. Tại hội nghị, Tổng cục Thuế đã kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử theo quy định mới tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dự và chỉ đạo hội nghị.
Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch triển khai giai đoạn 1, theo đó đến hết ngày 31/12/2021 hoàn thành tối thiểu 70% và phấn đấu 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc và đến hết ngày 31/3/2021 hoàn thành tối thiểu 70% và phấn đấu 100% số lượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 1, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức triển khai giai đoạn 2, đảm bảo đến mùng 1/7/2022, 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Việc triển khai áp dụng HĐĐT mà ngành Tài chính, ngành Thuế đang thực hiện cũng góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các doanh nghiệp.
Theo Tổng cục Thuế, việc triển khai HĐĐT bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu phục vụ triển khai mở rộng hệ thống trên cả nước. Việc triển khai hệ thống HĐĐT thành công sẽ tạo nền tảng cơ sở dữ liệu căn cơ và quan trọng để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số, phục vụ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số của ngành Tài chính.
Từ năm 2015, ngành Thuế triển khai vận hành hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa, điện tử hóa trong quản lý người nộp thuế từ khâu đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đến hoàn thuế.Đến nay, việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ của người nộp thuế đều được thực hiện tập trung và tự động. Cơ quan thuế từ việc phải nhập dữ liệu kê khai của người nộp thuế vào hệ thống phần mềm, thì hiện nay chỉ thực hiện việc đối chiếu, kiểm soát, giám sát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, từ đó phân tích thông tin, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ phù hợp để quản lý thuế hiệu quả./.