Giá xăng dầu tạo áp lực vô cùng lớn lên lạm phát
Từ 15h chiều 13/6, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới sau khi tăng mạnh. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít, lên mức 31.117 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít lên mức 32.375 đồng/lít. Đặc biệt, giá dầu diesel 0.05S tăng đến 2.626 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 2.493 đồng/lít, lên mức 27.839 đồng/lít.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 14 đợt, trong đó, giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.
Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, giá xăng dầu đang là vấn đề rất "nóng" hiện nay, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất tiêu dùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại địch. Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, giá xăng dầu còn tác động đến ngành vận tải, logistics, đẩy chi phí các ngành nghề khác tăng theo, chi phí doanh nghiệp cũng tăng, tạo áp lực vô cùng lớn lên lạm phát.
“Việc tăng giá xăng dầu thời điểm này là khó tránh do giá dầu thế giới "leo thang", tác động này mang tính toàn cầu, nhưng Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tổng thể để giảm thiểu tối đa tác động, rủi ro của việc tăng giá xăng đến đời sống nhân dân và sự phát triển chung của nền kinh tế. Đó là việc Chính phủ phải điều hành ngay", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, đồng thời đề nghị "Chính phủ cần sớm trình phương án giảm thuế với xăng dầu".
Theo đại biểu đoàn Hải Dương, Bộ Tài chính là đơn vị tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ trình phương án giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường, Thường vụ Quốc hội đã đồng ý. Thuế Bảo vệ môi trường, nếu muốn giảm tiếp 50% nữa, thẩm quyền thuộc về Quốc hội; điều này cũng tương tự với Thuế Tiêu thụ đặc biệt hay Thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì...Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội giảm thuế ngay.
"Quốc hội còn 2 ngày nữa kết thúc kỳ họp thứ 3, nếu Chính phủ không kịp trình phương án giảm thuế để giảm giá xăng dầu, Quốc hội có thể triệu tập cuộc họp bất thường để quyết định những vấn đề mang tính trọng đại, quyết ngay", nữ đại biểu Quốc hội nêu quan điểm.
Về vấn đề nhập khẩu xăng dầu giá rẻ từ Malaysia, theo bà Nga, ngoài việc giảm thuế phí, nếu chúng ta tìm được nguồn cung xăng dầu giá rẻ cũng cần làm ngay để đảm bảo nguồn cung trong nước.
Bộ Tài chính đề xuất một số biện pháp để “hạ nhiệt” giá xăng dầu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang dự kiến đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thẩm quyền giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Nếu phương án giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, mỗi lít xăng sẽ giảm thêm từ 2.000 đồng, tác động tăng giá xăng sẽ giảm đi đối với nền kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, các phương án giảm thuế, giãn thuế đối với xăng dầu đã được thực hiện và tỏ rõ hiệu quả. Vì vậy, đây là căn cứ để Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế phí, kìm cương giá xăng dầu.
Ngoài ra, trong dự thảo sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu (hiện áp dụng 300 đồng/lít). Nếu được thông qua, hai loại phí tuyệt đối lên giá xăng sẽ được loại bỏ.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về thuế của Bộ Tài chính, ngoài các đề xuất giảm thuế, phí tuyệt đối lên giá xăng dầu, các loại thuế đánh theo tỷ lệ % như thuế suất thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT… rất khó bỏ bởi đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trong kỳ họp lần này, không được đưa vào chương trình sửa đổi của luật.
Bên cạnh đó, nếu được đưa vào lịch trình sửa đổi Luật, Quốc hội thông qua, sẽ phải chờ đến tháng 10 và thời gian áp dung sẽ phải là quý IV/2022. Ngoài ra, cấu thành thuế phí xăng dầu trong thu ngân sách khá lớn, thay đổi các sắc thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt khi dự toán giao ngân sách đã được phê duyệt từ đầu năm là rất khó, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước cả năm./.