Sau khi tăng cao hồi tháng 9 lên 2,2%, nhờ có nhiều giải pháp điều chỉnh chính sách vĩ mô kịp thời nên từ tháng 10, CPI chỉ tăng 0,85% so với tháng 9 và tháng 11 này chỉ tăng 0,47% so với tháng 10.

Như vậy, so với tháng 11/2011, tăng 7,08%, còn so với tháng 12/2011, CPI tháng 11/2012 tăng 6,52%. Bình quân 11 tháng năm 2012, CPI tăng 9,43% so với cùng kỳ năm 2011.

CPI tháng 11/2012 giảm mạnh nhờ giảm giá một số nhóm hàng thiết yếu, trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng, đó là: nhóm hàng thực phẩm giảm 0,21%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,08% so với tháng 10.

1cpi-hcm-thang-9.jpg
Nhóm hàng thực phẩm giảm 0,21% trong tháng 9 (Ảnh:vnmarketer.com)

Bên cạnh đó, nhóm viễn thông tiếp tục có một tháng có chỉ số giá giảm 0,01%. Bình quân 11 tháng, nhóm này giảm 1,18% so với cùng kỳ.

Hai nhóm được coi là tác nhân chính của sự tăng cao đột biến của CPI tháng 9 là giáo dục và y tế cũng có sự tăng giá không đáng kể trong tháng 11 này, mặc dù vẫn đóng vai trò là tác nhân tăng giá chính.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng giáo dục tháng 10 tăng 1,88% trong khi tháng 11 chỉ tăng 0,13%. Theo Tổng cục Thổng kê, từ tháng 9, cả nước có 42 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng học phí khiến chỉ số CPI tăng cao, đến nay đã qua thời cao điểm khai trường trên cả nước nên chỉ số này đã giảm.

Theo số liệu CPI cả nước, nhóm tác nhân chính ảnh hưởng lớn nhất đối với tốc độ tăng CPI cả nước những tháng gần đây là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

Riêng tháng 11 này, nhóm thuốc và dịch vụ y tế đóng góp 0,29%, chiếm hơn 60% vào mức tăng của chỉ số chung cả nước. Còn xét chung cũng từ tháng 7/2012, nhóm hàng quan trọng liên quan đến sức khỏe của cộng đồng đã chiếm tới 50% mức tăng của chỉ số chung.

Bên cạnh  đó, mặc dù không nằm trong nhóm các mặt hàng tính chỉ số giá, nhưng Tổng cục Thống kê cũng công bố chỉ số giá vàng giảm 1,98% và chỉ số giá USD giảm 0,11% so với tháng trước.

Trước đó, cả hai trung tâm lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM đều công bố CPI tăng thấp, chỉ ở các mức 0,22% và 0,10%./.