Đến ngày 30/6 tới, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng của Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà xã hội và những người lao động thu nhập thấp mua nhà ở xã hội hết hạn. Nhưng đến thời điểm này, gói tín dụng mới chỉ giải ngân được trên 10%. Tại TP HCM, nhu cầu sử hữu nhà ở của người dân rất lớn, nhưng nhiều người không thể vay được gói tín dụng này bởi những quy định hiện hành.

Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng nhà xã hội và những người lao động thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, theo nghị quyết 02 của Chính phủ đã chính thức giải ngân từ tháng 6/2013. Tuy nhiên, đến nay, gói này chưa thật sự phát huy hết hiệu quả khi con số giải ngân là rất thấp.

Mặc dù rất muốn có một căn hộ riêng nhưng anh Ngô Hoài Phương ở quận 1, TP HCM vẫn không nghĩ đến việc mình sẽ vay được tiền mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Bởi theo anh Phương, trong gói này, lãi suất hiện nay dù đã được giảm chỉ còn 5% nhưng vẫn còn cao so với thu nhập bình quân của người lao động. Hơn nữa, thủ tục để được vay rất rườm rà, phức tạp, nhất là khâu chính quyền địa phương xác nhận người vay chưa từng có nhà ở.

“Thủ tục rườm rà, từ khâu thủ tục ở UBND phường chứng minh thu nhập đến thủ tục vay vốn ở ngân hàng cũng khó khăn. Tôi có nhu cầu thực tế để mua nhà nhưng tôi cũng không dám đụng đến gói 30.000 tỷ”, anh Ngô Hoài Phương cho biết.

Nhiều rào cản khiến người có nhu cầu mua nhà không tiếp cận được gói 30.000 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)
Tại TP HCM, anh Phương không phải là trường hợp cá biệt mà là phổ biến của tất cả những người đang có nhu cầu về nhà ở, nằm trong diện được vay, nhưng không đáp ứng được các quy định của gói tín dụng này.

Hiện nay, việc xác nhận người vay "chưa từng có nhà ở" là rất khó đối với chính quyền địa phương nên phần lớn chính quyền phường, xã đều từ chối. Đây là rào cản lớn khiến người dân không thể đến gần với những ưu đãi của gói tín dụng này. Việc chứng minh năng lực tài chính để được vay vốn cũng rất khó đối với những người kinh doanh, buôn bán tự do.

Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cho rằng: Những qui định để được tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đã gây khó cho người dân. Nhiều người đã bỏ cuộc vì phải đi quá nhiều nơi, mất rất nhiều thời gian để chứng minh mình đủ điều kiện tham gia gói.

“Nếu gói 30.000 tỷ này nới rộng ra thêm để nhiều người tham gia, sản phẩm nhà ở linh hoạt hơn nữa thì đây sẽ là một sự thành công. Chính phủ sẽ giúp cho những doanh nghiệp và thị trường bất động sản khởi động trở lại. Nhu cầu cho bất động sản khởi động trở lại phải bắt đầu từ chính gói hỗ trợ này”, ông Trân nêu rõ.

Ông Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng cho rằng: Để phát huy gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì cần mở rộng đối tượng cho vay. Bởi còn rất nhiều đối tượng khác có nhu cầu nhà ở nhưng không nằm trong diện vay vốn. Gói tín dụng này không chỉ là vốn mồi hỗ trợ cho người mua dễ dàng có được nơi ở tốt mà còn giúp nhà đầu tư triển khai những dự án đang bị kẹt vì thiếu vốn.

“Trong khi nhiều đối tượng rất cần vay mà không được vay, đó là các nhà đầu tư. Nhà đầu tư nhà ở thương mại dạng căn hộ nhỏ và giá thành thấp để bán cho người lao động bình thường. Nếu doanh nghiệp lo được với mức giá phù hợp đáp ứng cho nhu cầu người lao động thì nên cho doanh nghiệp này vay. Đó là kênh mở ra rất tốt giúp tiêu thụ nguồn vốn này rất nhanh và đáp ứng lượng lớn nhu cầu nhà ở xã hội”, ông Lê Chí Hiếu cho biết.

Tính đến hết tháng 5, mới chỉ có 800 khách hàng tại TP HCM được vay với số vốn giải ngân gần 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, có tới khoảng 20.000 người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội. So với lượng khách hàng được vay gói 30.000 tỷ đồng là quá thấp.

Ngày 30/6 đã cận kề, khả năng giải ngân nhanh hơn là rất thấp. Cho nên, tìm giải pháp để gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ thật sự đến tay người dân cần nhà, doanh nghiệp cần vốn xây dựng nhà ở xã hội là thực sự cần thiết. Trong đó, không loại trừ khả năng phải gia hạn cho gói tín dụng này./.