Một thông tin khá bất ngờ mới được ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đưa ra tại một hội nghị về hàng không gần đây, đó là trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không tại Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 74.000 chuyến bay, nhưng trong đó, tỷ lệ chậm chuyến chiếm 20,9%, tỷ lệ hủy chuyến chiếm 3,2%.
Không cần quá để ý cũng có thể thấy một vài trường hợp điển hình dẫn đến tình trạng chậm chuyến của các hãng hàng không, như với chuyến bay của VietJetAir từ Hà Nội đi Nha Trang sáng sớm ngày 12/6, một nam hành khách đã dọa có bom trên máy bay khi tiếp viên đang kiểm tra thẻ lên máy bay của hành khách.
Lời lẽ của hành khách nói trên đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh an toàn hàng không, chuyến bay bị hoãn lại, toàn bộ hành khách và hành lý đã xếp trên máy bay bị đưa xuống để kiểm tra an ninh. Phải sau đó 4 giờ, chuyến bay mới có thể cất cánh đi Nha Trang.
Theo thông báo của cơ phó Trần Thu Hà trên chuyến bay VN277, ông Th là hành khách của một chuyến bay khác - VN271, từ Hà Nội đi TP HCM, xuất phát từ 22 giờ cùng ngày. Tuy nhiên vì lý do kỹ thuật, chuyến bay VN271 đã hoãn đến 23h30’. Vì ông Th là hành khách có thẻ Kim cương, nên được Vietnam Airlines đặc cách, đôn lên chuyến bay sớm hơn là VN277.
Cụ thể hơn, cách đây mấy ngày, VNA cũng báo cáo cụ thể cho biết, do thời tiết diễn biến phức tạp nên từ ngày 7 - 12/7, VNA đã hủy 40 chuyến đi/đến sân bay Pleiku và Đà Lạt, đổi hướng hạ cánh 7 chuyến đến Pleiku và Buôn Ma Thuột. Đồng thời, hơn 50 chuyến của hãng bị chậm dây chuyền ảnh hưởng đến các sân bay Tuy Hòa, Côn Đảo, Chu Lai, Hải Phòng, Vinh, Điện Biên. Tổng số có khoảng 6.000 hành khách bị ảnh hưởng…
Lý giải cho tình trạng này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam - ông Lại Xuân Thanh đã đưa ra các nguyên nhân bao gồm quy trình khai thác của các hãng hàng không; dịch vụ và trang thiết bị (kết cấu hạ tầng) tại cảng hàng không; an ninh hàng không; quản lý, điều hành bay và các nguyên nhân khác (thời tiết, chim chóc, đặc điểm vùng trời hẹp…). Trong đó, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất (72,7%).
Theo ý kiến của đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam, do 2 cảng hàng không là Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải đã dẫn đến việc chậm, hủy chuyến dây chuyền của phần lớn chuyến bay còn lại trong ngày…
Không đồng tình với những nhận định này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã nêu rõ: Các đơn vị quản lý nhà nước như Cục Hàng không, Vụ vận tải đã đều đổ lỗi cho hãng hàng không mà chưa vì lợi ích của người dân, chưa tự nhận thấy xấu hổ vì sự chậm, hủy chuyến làm phiền lòng khách hàng.
“Chúng ta còn coi thường hành khách, thiếu sự tôn trọng, bắt các thượng đế lang thang ở sân bay, nhân viên thì có thái độ không tốt. Các đơn vị chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình, lỗi lớn nhất là không nhận ra lỗi của mình", Bộ trưởng Thăng chỉ rõ.
Bộ trưởng cũng cho rằng, hiệu quả quản lý nhà nước của Cục Hàng không không cao, các hãng cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, các cơ quan phải kiểm điểm trách nhiệm liên quan việc hủy, hoãn chuyến trong 6 tháng qua.
Động thái mới nhất từ phía Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, Cục đã yêu cầu các cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát trực tiếp công tác chuẩn bị trước chuyến bay, phục vụ hành khách đi tàu bay của các hãng hàng không tại các cảng hàng không, sân bay, thực hiện nghĩa vụ của người vận chuyển đối với hành khách đi tàu bay trong trường hợp chuyến bay chậm, huỷ đảm bảo các quy định, quy trình, thủ tục đã ban hành.
Kể từ ngày 13/7, các cảng vụ hàng không kịp thời xử lý hành chính hoặc báo cáo kiến nghị xử lý hành chính kịp thời đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan trong quá trình kiểm tra, giám sát nói trên; Báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trước 16h00’ hàng ngày trong đó thống kê tình hình chậm, huỷ chuyến bay trong ngày của từng hãng hàng không, chi tiết nguyên nhân.
Ngay trong tuần này, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cũng đã quyết định thành lập Tổ kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị trước chuyến bay, khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, nhằm kiểm tra, giám sát, xử lý, kiến nghị xử lý việc chuẩn bị trước chuyến bay, tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam./.