Những năm qua, các địa phương tự tính toán, rồi công bố tổng giá trị gia tăng của địa phương mình theo hướng năm sau cao hơn năm trước, huyện cao hơn tỉnh và tỉnh cao hơn trung ương. Cách tính toán không phù hợp này đã tạo ra những con số đẹp, mức tăng trưởng không thực chất. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới quyết liệt loại bỏ, thay bằng phương pháp tính toán mới. Theo đó, Bộ này giao Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm tính toán cho các tỉnh, thành phố, loại bỏ những con số tăng trưởng ảo.

Cách tính tổng giá trị gia tăng (GDP) hiện nay ở các địa phương đang có vấn đề, khiến các con số thống kê không thực chất, dư luận nghi ngờ. Đơn cử, một số địa phương có cửa khẩu mỗi năm xuất khẩu nhiều tỷ USD, thế nhưng toàn bộ giá trị sản xuất đó không phải của địa phương này mà của nhiều tỉnh khác nhưng họ vẫn tính và giá trị xuất nhập khẩu của mình. Như vậy là thống kê trùng, tạo nên sự tăng trưởng ảo và các địa phương chạy theo con số tăng trưởng ảo rồi đưa vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ.

Theo ông Cao Anh Hạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, do cách tính cũ nên tất cả các huyện đều có GDP cao xấp xỉ 20% nhưng cộng tất cả lại thì cả tỉnh chỉ cao hơn 10%, và tất cả các tỉnh đều cao hơn 10% nhưng cộng lại mức tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 5-6%. Tình trạng này khiến các tỉnh, thành phố không biết được sức khỏe thật của nền kinh tế địa phương.

le_viet_chu_ubdd.jpgÔng Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi- Ảnh: Hải Sơn

Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu ví dụ một dầm cầu được đúc ở Đà Nẵng chở vào tỉnh Quảng Ngãi thi công, giá trị gia tăng của dầm cầu này đã được tính cho Đà Nẵng nhưng tỉnh Quảng Ngãi vẫn tính trong giá trị gia tăng của tỉnh mình. Bởi vậy, Chủ trương thay đổi cách tính GDP đã nhận được sự ủng hộ của các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, các địa phương đang chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng bộ các cấp, việc áp dụng cách tính mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh theo hình thức mới, tránh trùng lắp sẽ khiến chỉ tiêu mức tăng trưởng của các địa phương thấp hơn so với Chỉ tiêu nghị quyết. Nhiều tỉnh thành phố còn băn khoăng với cách tính mới của Trung ương.

Ông Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức đây là cách làm đúng để thống nhất toàn quốc cách tính toán cho phù hợp. Tuy nhiên để tính cho GDP 2015 trên Trung ương tính thì cần xem xét kỹ lưỡng nhằm tạo sự hài hòa giữa địa phương. Do hầu như địa phương nào cũng đang chuẩn bị cho dự thảo báo cáo kinh tế xã hội cũng như chuẩn bị cho báo cáo chính trị chuẩn bị cho đại hội Đảng Hiện nay.”

Ông Phạm Đình Cự- Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên-Ảnh: Hải Sơn

Có một thực tế là các địa phương căn cứ vào mức tăng trưởng GDP để tính toán nhu cầu đầu tư. Khi mức tăng trưởng cao thì xây dựng kế hoạch đầu tư cao rồi trình bày, xin dự án, tạo cơ chế xin cho, đầu tư tràn lan. Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân-Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh không phải là chỉ tiêu để cấp tiền hay đầu tư mà là để biết được thực tế là địa phương đó trình độ phát triển đến đâu, từ đó có những chủ trương phát triển phù hợp.

Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Tổng cục Thống kê trực tiếp tính giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh, trên cơ sở số liệu của Cục Thống kê các địa phương cung cấp, từ đó, loại trừ các số liệu trùng lắp. “Chính phủ chủ trương quy định lại về cách tính GDP, theo đó Tổng cục Thống kê sẽ là cơ quan tính GDP cho từng địa phương.”

Bắt đầu từ năm 2018, Tổng cục Thống kê sẽ chủ trì toàn bộ việc tính toán GDP cho tất cả các tỉnh thành phố trong cả nước./.