Thế giới lún sâu vào khủng hoảng khi nguồn cung dầu bị cắt giảm
Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol vừa lên tiếng cho rằng thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn thế giới bị thắt chặt và các nhà sản xuất dầu lớn cắt giảm nguồn cung đã đưa thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên.
Ông Fatih Birol cho biết, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) gia tăng ở châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng Ukrainevà khả năng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc phục hồi sẽ khiến thị trường thắt chặt, khi công suất LNG chỉ tăng thêm 20 tỷ m3 trong năm tới.
Giám đốc Điều hành IEA đánh giá, quyết định gần đây của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (được gọi là OPEC +) về việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày là một quyết định "rủi ro" khi IEA nhận thấy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu sẽ ở mức gần 2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Đó là điều đặc biệt rủi ro khi một số nền kinh tế trên thế giới đang trên bờ vực suy thoái.
Giá cả tăng trên toàn cầu đối với một số nguồn năng lượng như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá đang khiến người tiêu dùng thêm khó khăn khi lạm phát giá thực phẩm và dịch vụ đang tăng. Giá cao và khả năng phân phối có thể là điều bất lợi cho người tiêu dùng châu Âu khi mùa Đông đang tới gần.
Với dầu mỏ, mức tiêu thụ dự kiến tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, khiến thế giới sẽ cần đến dầu mỏ của Nga để đáp ứng nhu cầu.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đề xuất cơ chế cho phép các nước mới nổi mua dầu của Nga nhưng với giá thấp để hạn chế nguồn thu của nước này sau xung đột tại Ukraine. Song, cơ chế này vẫn còn nhiều điểm cần được làm rõ.
Nguy cơ giá khí đốt tăng cao khi mùa đông tới
Theo thông tin trên Euro News, trong bối cảnh thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng, giá khí đốt ở châu Âu đang có nguy cơ gia tăng khi nhu cầu của người dân tăng cao trong mùa đông này.
Giá khí đốt lần đầu tiên đã hạ xuống dưới mức 100 euro/MWh kể từ giữa tháng 6 vừa qua, do thời tiết ôn hòa làm dịu nhu cầu và các cơ sở lưu trữ đạt gần tổng công suất. Trong khi giá cả vẫn ở mức đặc biệt cao, tin tức này đã giúp người tiêu dùng bớt căng thẳng về tài chính. Tuy nhiên, niềm vui này dường như kéo dài chẳng được bao lâu.
Giá bán buôn ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán lẻ mà các hộ gia đình và công ty phải trả hàng tháng. Các hóa đơn này cũng bao gồm các chi phí phụ liên quan đến bảo trì mạng, thuế và phí vận hành.
Lần cuối cùng giá khí đốt giảm xuống dưới mốc 100 euro/MWh là vào giữa tháng 6/2022. Giá sau đó đã tăng với tốc độ rõ rệt khi các nước đổ xô lấp đầy kho khí đốt dưới lòng đất và việc Nga thao túng nguồn cung đã thúc đẩy đầu cơ.
Chỉ số giá khí tự nhiên Dutch TTF đã phá kỷ lục mọi thời đại khi đạt mức 349 euro/MWh vào cuối tháng 8 vừa qua. Sau đó, giá bắt đầu giảm dần. Đồng thời, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng đang bị hạn chế bởi hóa đơn năng lượng cao, dẫn đến nhu cầu giảm, và do đó, giá giảm theo.
Các quan chức EU lo ngại một mùa đông lạnh hơn bình thường sẽ làm tăng nhu cầu về điện và hệ thống sưởi, đẩy giá lên mức cao và làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế. Các hợp đồng tương lai cho những tháng sắp tới giá cao vượt ngưỡng 100 euro/MWh./.