Đây là sản phẩm thứ 3 của Bắc Kạn sau quýt Bắc Kạn và hồng không hạt được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Theo đó, khu vực sản xuất miến dong sẽ là trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn. Vùng trồng dong được xác định tại 73 xã, thị trấn thuộc 8/8 huyện thành phố của tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Miến dong Tài Hoan, đơn vị vừa có lô hàng miến dong thứ 2 xuất sang thị trường châu Âu cho biết: “Có được chỉ dẫn địa lý, chúng tôi tiếp cận thị trường tốt hơn, khách hàng tin tưởng sản phẩm chúng tôi hơn. Chúng tôi sẽ nỗ lực  để có sản phẩm thật tốt, giữ vững thuơng hiệu sản phẩm miến dong Bắc Kạn và khai thác tốt lợi thế khi đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý”.

Do điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, dong riềng ở đây phát triển tốt, tỉ lệ tinh bột cao, sản phẩm miến làm ra có màu trắng xám đặc trưng, dai, mềm và đặc biệt thơm ngon. Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 ha trồng dong riềng và hàng chục cơ sở chế biến miến quy mô vừa và nhỏ.

Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được công nhận sản phẩm OCOP và dần vươn tới các thị trường lớn trong nước, đặc biệt là đã có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, tuy nhiên, số lượng còn hạn chế. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thành công mở ra cơ hội lớn cho miến dong Bắc Kạn có thể vươn xa hơn trên thị trường.

"Chúng tôi sẽ cùng các ngành tham mưu cho UBND tỉnh phải quản lý tốt chứng nhận chỉ dẫn địa lý này. Các vùng được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý phải có quy trình từ sản xuất nguyên liệu đến quy trình chế biến đạt tiêu chuẩn theo như đã đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại cả thị trường trong nước cũng như nước ngoài" - bà Đỗ Thị Hiền, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Kạn nói./.