Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm quýt Bắc Kạn và chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho miến dong Bắc Kạn.

Đối với sản phẩm Miến dong Bắc Kạn, chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội Nông dân tỉnh; logo nhãn hiệu được thiết kế và lấy ý kiến đóng góp của các ban, ngành, hộ sản xuất, chế biến. Đây là điều kiện để tỉnh Bắc Kạn tiếp tục khai thác và phát huy những cây trồng đặc sản, mở rộng mô hình trồng Quýt và sản xuất và miến dong.

quyt%20bac%20kan%202.jpg
Đặc sản quýt Bắc Kạn. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Trong năm 2012, tỉnh Bắc Kạn đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp có giá trị kinh tế cao như cam quýt tại huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; dong riềng ở huyện Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông, Pác Nặm..., hồng không hạt tại Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn…góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh. 

Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có Chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Bắc Kạn, Nhãn hiệu tập thể gạo Bao Thai Chợ Đồn được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ năm 2010.

Ảnh: Báo Bắc Kạn

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa; tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng quýt và nghiên cứu công nghệ chế biến miến dong đảm bảo chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bắc Kạn cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho người dân phát triển cây quýt, miến dong tại địa phương; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh ./.