Tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh miền núi phía Bắc nhằm chuẩn bị cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, trong hai ngày 28, 29/12, Đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện do ông Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và báo cáo chính trị thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Cạn. Qua các buổi làm việc với tỉnh và tìm hiểu  tại một số xã, cơ cở sản xuất kinh doanh, nhiều vấn đề được đoàn ghi nhận từ thực tế của một tỉnh miền núi.

Buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác tại xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn diễn ra dài hơn dự kiến với sự tham dự đông đủ của các ban, ngành của huyện, xã và tỉnh Bắc Kạn. Đoàn công tác đã ghé thăm nhiều hộ dân trong xã để hiểu thêm cuộc sống và mong muốn của đồng bào, từ chuyện học hành của con trẻ đến sức khoẻ của các cụ cao tuổi, nước sinh hoạt cho bà con đến giá cả lương thực, thực phẩm hàng ngày. “Đúng là đổi đời”, rất nhiều người dân đã thốt lên như thế khi nhớ lại bữa cơm trước đây và ngày nay, con cái đều được học hành, ốm đau được chăm sóc…

Năm nay đã 75 tuổi, đã từng làm Bí thư xã Bằng Phúc trước những năm 1986 khi Đảng ta bắt đầu sự nghiệp đổi mới, ông Mùng Văn Quang là người chứng kiến rõ sự đổi thay trong cuộc sống của nhân dân  trong xã. Ông Mùng Văn Quang cho biết: Xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn có hơn 500 hộ gồm 4 dân tộc Tày, Dao, Kinh, Hoa cùng chung sống.  Từ độc canh cây lúa đến nay nhiều loại cây trồng khác như đậu tương, khoai lang được nhân rộng, bình quân lương thực đạt 428 kg/người/năm. Những dự án trên địa bàn xã như trồng cây thuốc lá, chè tuyết triển khai khá hiệu quả, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương thực sự phát huy hiệu quả khi 5 công trình thuỷ lợi, 1 công trình chợ, 1 trạm xá, 2 trường trung học cơ sở được xây dựng.

 

CT-quoc-hoi-2.jpg

Là xã có tiềm năng lâm nghiệp, nên đây là hướng đi xã rất quan tâm khi toàn bộ gần 4000 ha đất lâm nghiệp đã được giao khoán cho các tổ chức, cá nhân sử dụng lâu dài theo quy định, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 60%.  Tuy nhiên, không phải là Chợ Đồn đã hết những khó khăn đặc thù của một huyện vùng núi cao địa hình chia cắt, đất đai manh mún, có độ dốc lớn và trình độ dân trí còn hạn chế. Đoàn công tác rất lưu ý đến tâm lý không tốt của một bộ phận nhỏ nhân dân bằng lòng với những kết quả đã đạt được theo kiểu “chỉ cần làm đủ ăn”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “cần chấn chỉnh tư tưởng trây ỳ, ỉ lại”, mà phải phấn đấu làm giàu hơn nữa cho gia đình và xã hội. Để xã Bằng Phúc sớm thoát khỏi xã chậm phát triển, cùng với sự đầu tư của Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Huyện, tỉnh cần có chính sách quan tâm hơn nữa, có cách làm sáng tạo, chủ động học hỏi, phối hợp với các địa phương khác trong việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Mỗi cán bộ, đảng viên trong xã nêu cao tinh thần đầu tàu, gương mẫu, phát huy vai trò của tổ chức đảng ở cơ sở. Vai trò của các tổ chức đoàn thế chính trị, xã hội như Mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ triển khai mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, thực hiện tốt chính sách dân tộc. Thăm trang trại dự án chè Penloyen Tea – Đài Loan tại xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn và trang trại trồng cam, quýt tại xã Quang Thuận huyện Bạch Thông, đoàn công tác lưu ý, cùng với việc nâng cao chất lượng và năng suất thì lãnh đạo huyện, tỉnh chủ động liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, chú trọng đào tạo nghề từ cơ sở.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn sáng nay, đoàn công tác nhấn mạnh thêm về ý nghĩa mục đích của chuyến công tác, trong đó quan trọng nhất là thực tiễn thực hiện Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng trên các lĩnh vực, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai. Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác đánh giá cao thành tích của Bắc Cạn sau hơn 10 năm tái lập, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 12%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50% năm 2005 xuống còn 25,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 10 triệu đồng/ người/năm, thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 200 triệu USD.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tỉnh nên xác định rõ tiềm năng, thế mạnh là gì. Đó là đất đai, rừng, đất rừng, sản xuất hàng hoá và nguồn lao động. Chính vì vậy, công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng cần xác định tập trung ngành nghề nào, tỷ lệ bao nhiêu? .

Theo Chủ tịch quốc hội, tỉnh cần xác định nội lực là quyết định, ngoại lực là hỗ trợ, động lực để phát triển, trong khó khăn thì phải có cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đoàn công tác ghi nhận những kiến nghị của Bắc Cạn và cũng là khó khăn của một số tỉnh miền núi. Đó là nhiều chương trình của Trung ương triển khai chậm do các bộ, ban, ngành hướng dẫn không kịp thời; chính sách giao đất giao rừng còn có những điểm hạn chế, giao đất không gắn với giao rừng, chưa gắn với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Một số đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác xây dựng đảng, thiếu quan tâm đến công tác phát triển đảng và chưa dành quỹ thời gian thích hợp cho công tác đảng.

Đoàn công tác cho rằng, Bắc Cạn cần tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của 14 doanh nghiệp Nhà nước, gắn doanh nghiệp nhà nước với nhân dân và sản phẩm của nhân dân, phát huy thế mạnh từ rừng. Muốn vậy tỉnh có chính sách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm hỗ trợ, đầu tư vào những vùng khó khăn; có chính sách thu hút nhân tài trở về phục vụ quê hương công tác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý, năm 2010 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, năm tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, đảng bộ tỉnh chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Đây là dịp để tỉnh tổng kết, rút kinh nghiệm, tìm ra hướng đi chủ đạo cho địa phương, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Cùng với lợi thế khác thì truyền thống cách mạng, ý chí quyết tâm cũng là một lợi thế, là hành trang để có động lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đổi mới tư duy, nặng động, chủ động, sáng tạo hơn nữa với quyết tâm chính trị cao, đoàn kết các dân tộc, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.

Để hiểu thêm thực tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đoàn công tác đã tới thăm nhà máy xi măng Bắc Cạn tại xã Xuất Hoá thị xã Bắc Cạn; thăm khu công nghiệp Thanh Bình, xã Thanh Bình huyện Chợ Mới. Đây là những doanh nghiệp có nhiều cố gắng trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng như cầu xây dựng và phát triển của địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho bà con. Đoàn công tác đã trao đổi thêm về những giải pháp bảo vệ môi trường, chính sách, chế độ đối với công nhân viên  và công tác phát triển Đảng tại doanh nghiệp./.