Sáng nay (17/10), tại Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức hội thảo “Liên kết vùng ĐBSCL trong tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các Bộ ngành, viện trường và các địa phương trong khu vực ĐBSCL.
Với lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hàng năm, ĐBSCL đóng góp 20% GDP của cả nước; sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và 60% kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản của cả nước.
Có thể thấy thời gian qua, chủ trương và chính sách phát triển vùng ĐBSCL của Đảng và Nhà nước đã được triển khai tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên cơ sở lợi ích của các địa phương, trong 10 năm gần đây, các địa phương trong vùng đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, thiếu sự liên kết chặt chẽ để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Lê Vĩnh Tân nêu rõ: “Thực tiễn cho thấy, sự phát triển giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng ở nước ta vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Bên cạnh đó, vẫn còn biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế”.
Với những bất cập, hạn chế trong thời gian qua, tại hội thảo này, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã nêu rõ yêu cầu cấp thiết và mang tính tất yếu là phải tăng cường liên kết vùng nhằm hướng tới xây dựng chính sách phát triển kinh tế vùng một cách bền vững.
Qua đó, khi tạo được sự liên kết vùng vững chắc sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trãi, lãng phí và sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng đã công bố dự thảo Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL. Mục tiêu của quy chế này nhằm khai thác, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; đồng thời xây dựng vùng ĐBSCL thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp; từng bước hiện đại gắn với sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, ổn định. Từ đó đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung cả nước./.