Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố Bản tin kinh tế vĩ mô quý I/2013. Đây là sản phẩm quan trọng của Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNDP.

Trong các khuyến nghị chính sách cho năm 2013 đưa ra trong Bản tin này, có những giải pháp quan trọng về chính sách tiền tệ và tài khóa. Theo đó, trong năm 2013, các chính sách cần được định hướng nhằm hỗ trợ cho việc đạt được mục tiêu kép là kiềm chế lạm phát khoảng 8% và tăng trưởng GDP khoảng 5,5% như đã được Quốc hội thông qua.

Do vậy, về chính sách tiền tệ, khuyến nghị nêu rõ: Do chỉ tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 8% là một mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh rủi ro lạm phát vẫn còn hiện hữu, nhất là từ phía các yếu tố thuộc nhóm chi phí đẩy (giá điện, xăng dầu, lương thực thực phẩm...) hay từ phía giá một số nhóm hàng (y tế, giáo dục...) và lạm phát kỳ vọng vẫn còn đáng kể nên cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng. Do vậy, cần sử dụng cách tăng cung tiền cũng như phương thức phân bổ tín dụng có hiệu quả nhất trong việc đạt mục tiêu kép.

Giải pháp cụ thể là cần tiếp tục mua vào ngoại tệ, vì đây là biện pháp khả thi trong bối cảnh lạm phát thấp và tỷ giá ổn định. Đây cũng là biện pháp tăng cung ứng tiền cho nền kinh tế lành mạnh nhất và có thể đạt được nhiều mục tiêu: giúp tăng thanh khoản cho thị trường, qua đó giúp ngăn ngừa các cuộc chạy đua lãi suất; hỗ trợ các ngành xuất khẩu và cạnh tranh với nhập khẩu; củng cố dự trữ ngoại hối và dễ dàng bán ra để can thiệp thị trường khi cần thiết; hỗ trợ quá trình chống “đô la hóa” nền kinh tế.

Đồng thời, phải thực hiện một cách có hiệu quả việc ưu tiên cung ứng tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thâm dụng lao động...

Đối với chính sách tài khóa, trong giới hạn thâm hụt ngân sách không vượt quá 4,8% GDP và trong bối cảnh nguồn thu có xu hướng suy giảm trong khi nhu cầu chi ngân sách rất lớn, cần phải tối ưu hóa cơ cấu thu chi để hỗ trợ cho việc đạt mục tiêu kép là kiềm chế lạm phát và tăng trưởng hợp lý để bảo đảm việc làm và an sinh xã hội.

Theo hướng đó, cần phải: Ưu tiên thanh quyết toán nợ đọng từ các công trình đầu tư công. Đây là giải pháp rất hiệu quả và công bằng, vì một phân nguyên nhân gia tăng nợ xấu hiện nay là do nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp thực hiện các công trình xây dựng cơ bản của nhà nước nhưng chậm được chủ đầu tư thanh toán, gây thiệt hại cho các nhà thầu và doanh nghiệp. Đây là thời điểm thích hợp để giải quyết các vấn đề nợ đọng như vậy.

Song song đó, ưu tiên giải ngân cho các dự án dang dở để nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng. Giải pháp này sẽ giúp “một mũi tên bắn trúng hai đích”: Tiêu thụ hàng tồn kho (yêu cầu các chủ đầu tư sử dụng tối đa nguyên vật liệu trong nước với các công trình đầu tư và xây dựng cơ bản của nhà nước. Điều này được phép vì nó thuộc lĩnh vực mua sắm công của chính phủ); Tránh lãng phí do đầu tư dang dở gây ra, một tình trạng khá phổ biến đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Và, tiếp tục xem xét hoãn tiến đến miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), nhất là với các mặt hàng có mức độ tồn kho lớn và có tỷ lệ sản xuất nội địa cao. Tuy nhiên, giải pháp này cần tính toán kỹ để chọn chính xác danh mục các mặt hàng và mức độ miễn/giảm thuế VAT phù hợp cho từng loại, để tránh “rò rỉ” ra hàng ngoại nhập hay “kích cầu hộ nước ngoài”./.