Sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ cho phép các ngân hàng thu phí bán ngoại tệ tiền mặt, tín hiệu tích cực từ một số ngân hàng cho thấy, dù hạn chế số lượng theo mục đích sử dụng cụ thể nhưng một số ngân hàng đã cam kết bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân mà không thu phí.

Tối đa 7.000 USD/năm

Ngân hàng đầu tiên thông báo bán USD rộng rãi cho cá nhân là Ngân hàng Đông Á (DAB). Theo đó, ngân hàng này sẽ bán ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng cá nhân nếu có nhu cầu chính đáng và các giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng đúng quy định: đi du lịch, thăm viếng người thân, đi công tác, khám - chữa bệnh, du học ở nước ngoài…

Ngoại tệ bán ra là tiền của nước sẽ đến. Trong trường hợp không có đồng tiền nước đó, DAB sẽ xem xét bán EUR cho khách hàng. Về khối lượng, DAB cam kết bán ra căn cứ cụ thể theo mục đích sử dụng và thời gian lưu trú tại nước ngoài. Mức cao nhất dành cho du học sinh có thể tương đương 7.000 USD/năm/người. Trường hợp nhu cầu nhiều hơn hạn mức cũng được ngân hàng này để ngỏ.

Sau DAB, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng thông báo bán ngoại tệ tiền mặt trên toàn hệ thống cho khách hàng cá nhân. Yêu cầu và hạn mức đáp ứng cũng tương tự như DAB. Eximbank cũng sẽ căn cứ theo quốc gia mà khách đến để bán theo đúng giá niêm yết với các loại ngoại tệ.

Về số lượng, ngân hàng này quy định, với các khách hàng đi du lịch, thăm viếng người thân, đi công tác ở nước ngoài, thời gian lưu trú dưới 7 ngày, khách hàng được mua tương đương 300 USD/người; nếu trên 7 ngày là 600 USD/người. Trường hợp người đi khám chữa bệnh, thời gian lưu trú dưới 7 ngày được mua 600 USD/người, trên 7 ngày là 1.000 USD/người. Còn đối với đi du học được mua tối đa là 7.000 USD/năm/người.

Ngân hàng khuyên khách dùng thẻ

Các thông báo triển khai bán ngoại tệ tiền mặt cho các cá nhân đều với cùng cơ chế và hạn mức. Một điều được các ngân hàng nhấn mạnh là khi khách giao dịch bằng tiền mặt, nhất là với các ngoại tệ mạnh như USD, ngân hàng có thể bị lỗ do mua theo giá thỏa thuận từ các doanh nghiệp, cộng với các chi phí khác như phí vận chuyển, kiểm đếm, chi phí giao dịch, thủ tục… Do đó, ngân hàng sẽ bù đắp chéo bằng khoản chênh lệch từ giao dịch các ngoại tệ khác. Trên thực tế, các ngân hàng niêm yết giá mua vào và bán ra ngoại tệ có sự chênh lệch trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mức dao động khoảng 1%.

Về phía NHNN, cơ quan này cho biết sẽ ban hành Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng được thu phí bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân. Mức phí tối đa là 2% so với tỉ giá niêm yết. Mức phí này, theo NHNN là nhằm bù đắp các chi phí nhập ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài và các khoản liên quan. Tuy nhiên, các ngân hàng phải niêm yết công khai mức phí trên tại các địa điểm giao dịch và chỉ được thu bằng VND.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, việc thu phí mua bán ngoại tệ là cần thiết vì tiền mặt nằm trong ngân hàng không sinh lời song ngân hàng vẫn phải dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngoại tệ cho khách hàng. Ngoài ra, NHNN cũng cho biết tới đây sẽ ban hành quy định để cá nhân có thể mua, bán ngoại tệ tiền mặt và kiều hối với tỷ giá hợp lý thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn khuyến khích khách mở thẻ tín dụng có ký quỹ VND để thanh toán các chi phí khi ở nước ngoài. Bởi dù có quyền được mua ngoại tệ hợp pháp theo nhu cầu nhưng không phải ngân hàng nào cũng có đủ ngoại tệ để đáp ứng các yêu cầu này như một số ngân hàng đã thông báo. Hiện hệ thống kết nối thẻ thanh toán toàn cầu như Visa hay MasterCard có thể đảm bảo được nhu cầu thanh toán này.

Phó TGĐ Vietinbank, ông Lê Đức Thọ cho rằng, với nhiều loại thẻ được phát hành hiện nay, sử dụng thanh toán qua thẻ cũng là một cách sử dụng ngoại tệ chính thức và người dân không nhất thiết phải dùng tiền mặt. Khi sử dụng thẻ, ưu điểm là khách hàng thanh toán hoặc rút tiền mặt bằng ngoại tệ ở nước ngoài và trả lại cho ngân hàng trong nước bằng VND theo tỷ giá niêm yết hoặc tỷ giá hối đoái quốc tế (có thể kèm theo phí)./.