Trước những vụ việc các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nước ngoài, gắn mác Made in Vietnam tiêu thụ trong nước như vụ Khaisilk hay Asanzo, đã khiến người tiêu dùng bức xúc.
Bà Trần Như Hoa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói: “Từ trước đến nay, đề là hàng Việt Nam thì người tiêu dùng biết vậy thôi chứ loạn về chất lượng, để gắn mác Made in Vietnam thì Bộ Công thương cần siết chặt những mặt hàng để được dán tem made in Vietnam. Bên cạnh đó phải có chế tài xử phạt thật nặng như: ngừng sản xuất, tước giấy phép kinh doanh, phạt nặng về kinh tế”.
Còn ông Phạm Văn Nhãn, Công ty thủy sản Cát Hải thì cho rằng, muốn thực hiện các tiêu chí hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đồng bộ hóa quản lý Nhà nước và hạ tầng cơ sở.
“Đồng bộ hóa về mặt tiêu chí và hệ thống hóa điện tử, nhất là tới đây hệ thống hóa 4.0, làm sao đồng bộ hóa theo kịp nước ngoài mới quản lý xuất xứ hàng hóa và đảm bảo xuất xứ hàng hóa khu vực, nơi sản xuất. Còn hiện nay chúng ta quản lý không đồng bộ hóa, kể cả về công nghệ, tiêu chí, quản lý chất lượng hàng hóa, nguyên liệu đầu vào nên xuất xứ hàng hóa làm hơi khó”, ông Phạm Văn Nhãn cho biết.
Cần có tiêu chí phân định rõ, thế nào là hàng "made in Vietnam". |
Theo Luật sư Phan Thị Tuyết, Văn phòng Luật sư Hoàn Kiếm, Hà Nội mặc dù trong lĩnh vực quản lý sản phẩm hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam chúng ta đã có Luật, nghị định quy định chi tiết về xuất xứ hàng hóa… Tuy nhiên, đến nay lại chưa có bộ tiêu chí nào để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự nhầm lẫn giữa các khái niệm hàng hóa xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi về thuế quan, hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam, khiến các doanh nghiệp lợi dụng.
Luật sư Phan Thị Tuyết, cho rằng: “Nếu có thông tư coi như chúng ta đã có một bộ quy chuẩn, có chuẩn mực, theo đó các doanh nghiệp, thương nhân cứ việc tuân thủ, nếu có vi phạm thì sẽ bị xử lý. Như vậy sẽ hạn chế được rất nhiều sự nhập nhèm lợi dụng xuất xứ ghi hàng sản xuất tại Việt Nam nhưng thực chất lại không sản xuất tại Việt Nam như hiện nay”.
Trước thực tế này, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ uy tín hàng Việt Nam, mới đây (1/8/2019), Bộ Công thương đã đăng tải Dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam trên cổng điện tử của bộ Công Thương để xin ý kiến rộng rãi các cơ quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Thời gian qua, nạn gian lận hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, nhất là gần đây nhiều doanh nghiệp của Việt Nam phối hợp bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài đưa hàng hóa nước ngoài vào sản xuất tiêu thụ tại Việt Nam với nhãn mác của Việt Nam, không những vậy lại xuất khẩu sang một số nước khác, điều này mang lại tác hại khôn lường đối với xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc ra một thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và bảo vệ uy tín hàng Việt Nam. Bởi từ nhiều năm nay, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, bước đầu đã khẳng định được uy tín và chất lượng. Lợi dụng uy tín này, không ít doanh nghiệp lại mang những chi tiết, phụ kiện, thậm chí hàng hóa của nước ngoài về Việt Nam lắp ráp và dán mác made in Vietnam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, gây mất uy tín hàng Việt.
“Theo quan điểm của tôi, Bộ Công Thương phải ra những tiêu chí hết sức cụ thể, phải có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bây giờ phải khẳng định những tiêu chí rất cụ thể và phải làm rất rõ thì mới xác định được thế nào là hàng Việt Nam. Hiện nay, đang nhập nhèm giữa xuất xứ với giữa Made in Vietnam. Muốn phân định rõ phải có những tiêu chí cụ thể, ví dụ giá trị gia tăng là bao nhiêu, hàm lượng của hàng Việt Nam là bao nhiêu, hay chuyển đổi mã vạch mã số như thế nào phải rất cụ thể”, ông Ngô Trí Long nói.
Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Dù vậy, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương./.