Tại hội thảovề những vấn đề của thị trường bán lẻ vừa diễn ra tại TP HCM, các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam đang ở vào cuối thời kỳ “Chín muồi”, tức là số siêu thị ngày càng gia tăng và các cửa hàng nhỏ lẻ dần giảm xuống. Cả nước hiện có hơn 8.500 chợ, trên một triệu cửa hàng quy mô nhỏ và mới chỉ có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, 400 cửa hàng tiện ích.

banel_bvwi.jpgTiềm năng phát triển mở rộng thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp là rất lớn (Ảnh minh họa: KT)

Như vậy, tiềm năng phát triển mở rộng thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp là rất lớn, cả ở địa bàn nông thôn lẫn thành thị, bằng các hình thức bán lẻ hiện đại. Vấn đề là các doanh nghiệp trong nước vì nhiều lý do như: thiếu vốn, thiếu chiến lược kinh doanh dài hơi, thiếu những chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước…nên khó cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài ngay tại thị trường bán lẻ trong nước.

Sắp tới,  ngành bán lẻ Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi ngày 11/1/2015, Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài và khu vực kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc các dòng hàng hóa, tài nguyên, vốn, nhân lực đi chuyển tự do và thuận lợi trong khu vực, 10 ngàn loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan.

Từ thực tế này, cả doanh nghiệp sản xuất lẫn doanh nghiệp phân phối trong nước đang rất cần những chính sách thông thoáng, hỗ trợ cụ thể từ phía nhà nước để phát triển sản xuất, hàng hóa cạnh tranh được với hàng ngoại và được tiêu thụ tốt ngay trong nội địa.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, áp lực cạnh tranh không chỉ đối với bán lẻ mà đối với tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam. Vấn đề là phải làm cho doanh nghiệp Việt mạnh lên. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung mạnh lên thì doanh nghiệp bán lẻ cũng mạnh lên. Nếu coi kinh doanh như là chiến trường, doanh nghiệp là chiến sỹ, thì nhà nước là hậu phương. Hậu phương có vai trò rất quan trọng./.