Theo đó, các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thành công các chuỗi sản xuất, vùng chăn nuôi đạt yêu cầu an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của quốc tế và của nước nhập khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm động vật xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được quy định của các thị trường nhập khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý, các tỉnh, thành phố cần rà soát quy hoạch, phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao, theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Đờ hớt (De Heus) sản xuất thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gà sang Nhật Bản chia sẻ, cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục tăng cường kết nối, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, công ty chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuỗi sản xuất khép kín, bao gồm cả nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phù hợp với từng thị trường, vùng miền, tăng khả năng xuất khẩu được sản phẩm:

"Mong muốn các chương trình liên kết mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các Bộ ngành liên quan xây dựng cụ thể hóa hơn để có thể những chế tài trong việc liên kết. Về phát triển thị trường xuất khẩu cần có nhiều chương trình hợp tác xúc tiến thị trường hơn và thông tin cho các doanh nghiệp lớn hàng và hàng đầu cùng nhau tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Khi các công ty lớn mở rộng được thị trường khi đó sẽ là đường dẫn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu tốt hơn" - ông Hiếu bày tỏ.

Trong quý 1 năm nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi đã xuất khẩu được 4.000 tấn sữa và sản phẩm sữa sang các nước, đạt giá trị khoảng 5,5 triệu USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã xuất được 1.127 tấn thịt gà chế biến, giá trị ước khoảng 5 triệu USD…./.