PV: Thưa ông, trong phiên thảo luận tại hội trường cũng như thảo luận ở tổ, nhiều đại biểu Quốc hội nghi ngờ tính xác thực của các con số trong báo cáo của Chính phủ. Ông có cho rằng, những nghi ngờ này là có căn cứ?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Quốc hội cung cấp cái nhìn từ phía cử tri, của phía đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi các chính sách, điều hành. Còn báo cáo của CP là báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước. Tất nhiên, hai cái này có thể vênh nhau.
Ví dụ như nói là chỉ số niềm tin của DN ở thời điểm hiện nay (2013) là thấp hơn so với thời điểm trước. Bởi theo số liệu điều tra của các cơ quan chức năng, 48% các DN kể cả FDI và trong nước đánh giá chính sách vĩ mô có nguy cơ gây rủi ro đối với DN, cộng thêm 22% DN đánh giá về lao động của Việt Nam (tay nghề kém, nhảy việc) tạo nên rủi ro cho DN khi làm ăn ở Việt Nam. Cộng cả hai tỉ lệ này lại, cho thấy khoảng 2/3 nguyên nhân của các DN xác định là do yếu tố chủ quan, nội tại của nền kinh tế. Như vậy, đấy là điều đáng lo.
Một chỉ số nữa về phòng chống tham nhũng. Năm 2011, chỉ có 28% DN thừa nhận là có bôi trơn, nhưng 2012 đã lên tới 41%. Như vậy chỉ 1 năm, số DN thừa nhận có bôi trơn đã lên tới 47%. Bên cạnh đó, bảng xếp hạng của thế giới về đấu tranh phòng chống tham nhũng, minh bạch, công khai trong chính sách thì Việt Nam cũng bị tụt 11 bậc. Chúng tôi phải cung cấp thêm những con số như vậy để Chính phủ có được cái nhìn toàn diện, tổng thể hơn.
PV: Trong báo cáo lần này của Chính phủ, ông quan tâm đến nội dung nào?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi quan tâm tới hai vấn đề trong thảo luận kinh tế - xã hội. Một là, nâng cao niềm tin của DN vào các chính sách điều hành của Chính phủ.
Chỉ trong vòng một năm, tỉ lệ DN thừa nhận có phong bì “bôi trơn” thì công việc mới đạt được đã tăng tới hơn 40%. Nhiệm vụ của chúng ta thảo luận hôm nay là để làm sao nâng cao niềm tin của DN vào các chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Vấn đề thứ hai là việc triển khai thực hiện các chính sách. Tôi chia sẻ với ý kiến của Đại biểu Trần Du Lịch, nhưng tôi muốn đưa ra một giải pháp dài hơi hơn. Tức là từ nay tới kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ phải làm một đề án tổng thể trong 3 năm để khôi phục nền kinh tế.
Đề án này phải kéo dài tới hết 2016, không phụ thuộc vào nhiệm kỳ của Quốc hội, nhiệm kỳ của Chính phủ và kế hoạch 5 năm. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là chúng ta đang gặp khó khăn. Cho nên phải có những giải pháp quyết liệt, vượt qua tư duy nhiệm kỳ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế.
Rõ ràng tới thời điểm này thì kế hoạch phát triển kinh tế từ 2011 – 2015 là không đạt kết quả, do đó phải điều chỉnh lại, phải tái cơ cấu nền kinh tế để tạo một động lực mới. Mà để tái cơ cấu nền kinh tế thì vừa qua chúng ta mới chỉ tập trung vào các giải pháp kích cầu thị trường nội địa, mà quên mất một điều là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay của chúng ta đã bằng 1,8 lần so với tổng thu nhập GDP. Vì thế phải tập trung vào thị trường mà chúng ta đang lấy làm trọng tâm mới đạt được mục tiêu đề ra.
Tái cơ cấu phải có chi phí. Như vậy trần nợ công, tái cơ cấu đầu tư công, bội chi ngân sách là những khâu then chốt phải thực hiện trong kế hoạch 3 năm để phục hồi nền kinh tế. Còn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thì chúng ta đang làm, hi vọng trong năm 2013 sẽ giải quyết được tương đối cơ bản.
PV: Trong 6 nhóm giải pháp mà Chính phủ đề ra, giải pháp nào ông đánh giá là sẽ có hiệu quả nhất?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Một trong 6 nhóm này là về vấn đề an sinh xã hội. Vừa qua, trong khi kinh tế suy thoái, rất khó khăn, chúng ta vẫn cố gắng đảm bảo các chỉ tiêu về an sinh xã hội. Đây là một điều rất đáng hoan nghênh từ chính phủ, chi tăng hơn 2011 là 28%. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách cụ thể hơn, chúng ta phải xem là người dân được thụ hưởng bao nhiêu phần trăm từ chính những chinh sách về an sinh xã hội như thế này? Cái người dân đòi hỏi là chi cho an sinh xã hội tác động trực tiếp tới người dân ra sao? Thực tế vẫn còn một khoảng cách nhất định từ lúc ban hành chính sách đến khi thực hiện. Nó thể hiện rằng cơ quan ban hành chính sách trong quá trình trình chính sách không trình kèm theo biện pháp hành động. Cho nên thời gian để chính sách được đưa vào cuộc sống bị kéo dài ra. Chính sự lệch pha này làm cho bức xúc xã hội nổi lên không đáng có.
PV: Trước Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ phải xem xét trách nhiệm cá nhân nếu để việc triển khai các chính sách không hiệu quả. Theo ông, điều này có cần thiết?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi xin nói một ví dụ cụ thể là ngày 7/1/2013, Chính phủ có Nghị quyết số 02 về xử lý một số vấn đề cấp bách của nền kinh tế, trong đó có gói kích cầu cho bất động sản là 30 nghìn tỷ. Thế nhưng, đến tận ngày 15/5, Bộ Xây dựng và NHNN mới ký được Thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn nào được vay, tiêu chuẩn nào không được vay từ gói kích cầu này. Đây rõ ràng là một sự bất cập, khi mà Nghị quyết của Chính phủ thì có sự đồng tình của tất cả hơn 23 thành viên của Chính phủ thảo luận, biểu quyết, trong đó đương nhiên có cả Bộ Xây dựng và NHNN. Như vậy, chỉ riêng để hai cơ quan này thống nhất được với nhau đã mất hơn 5 tháng. Quá vô lý, mất thời gian.
Còn việc xử lý như thế nào khi triển khai chính sách chậm, phải xử lý ở mức độ nào, hình thức nào mới quan trọng, chứ chỉ nói xử lý thì không giải quyết vấn đề gì.
PV: Xin cảm ơn ông!