“Tạo niềm tin thị trường” – đây là vấn đề được nhiều các đại biểu Quốc hội nhắc đến khi phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay (30/5) về tình hinh tế-xã hội 2012-2013.
Chẳng ai biết nợ xấu thực sự là bao nhiêu?
Bày tỏ sự nghi ngờ của mình về các con số báo cáo, Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nói: Đã từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP Quốc gia.
Cũng theo đại biểu Hiến, mấy năm qua, vấn đề sinh tử của nền kinh tế là giải quyết cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho bất động sản nhưng mức độ tin cậy của các báo cáo là rất thấp. Cuối 2012, nợ xấu khoảng 10%, thanh tra NHNN cho rằng 8,6% và trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Hồi tháng 3/2012, NHNN thông báo nợ xấu còn 6%. Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%. ..
“Con số thực, bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều so với con số đã công bố? Nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của 1 ngân hàng 2-3% có thể tăng lên 15% hoặc hơn nữa” – đại biểu Hiến đưa ra suy luận của mình.
Một băn khoăn nữa được đại biểu đưa ra: “Cho đến giờ này, chúng ta không biết con số thực về hàng tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Các số liệu công bố rất khác nhau. 200.000 căn hay 400.000 căn? 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng? Nợ công là bao nhiêu? 55% GDP hay 59% GDP và liệu có an toàn? Tại sao mỗi năm hơn 50.000 DN phá sản, số DN phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm… thế nhưng tạo việc làm mới cứ đều đặn 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm?”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến nhận xét: Những con số cứ như là được cài đặt vậy! Điện lực, xăng dầu lúc nào cũng báo lỗ, ai biết thực hư thế nào...?
Và hệ lụy của việc đưa ra những con số không đủ tin cậy: “Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không nắm bắt chính xác các xu hướng, không thể đưa những quyết sách giải quyết, chủ trương giải quyết đúng được. Và như thế chúng ta sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Quốc hội phải biết, người dân có quyền được biết chuyện gì xảy ra đối với đất nước mình” – đại biểu Nguyễn Văn Hiến nói.
Chia sẻ ý kiến này, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng: “Thiếu lời giải thích cho các lo ngại về sự sụt giảm niềm tin của thị trường và người dân, bởi niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng để có thể vực dậy nền kinh tế đang lâm trọng bệnh như hiện nay”.
Nhiều điểm quá lạc quan?!
Trong báo cáo tổng hợp thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đánh giá tình hình 4 tháng đầu năm 2013,có nhiều ý kiến đánh giá tình hình năm 2013 không lạc quan như báo cáo của Chính phủ, vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng khó khăn: nền kinh tế trì trệ, tăng trưởng đạt thấp, thu ngân sách thấp, cơ cấu nguồn thu vẫn chủ yếu từ dầu thô, thu nội địa, xuất nhập khẩu vẫn không đạt dự toán. Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp chưa tìm thấy cơ hội của mình. Nhà nước còn lúng túng trong điều hành, tìm hướng đi. Một số chỉ tiêu đạt thấp hơn nhiều so với những năm 2010, 2011 như tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội… nhưng số lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn vẫn giảm là không hợp lý. Sức mua giảm, sản xuất đình trệ, Chính phủ đang thực hiện các giải pháp trọng cung, thiếu các chính sách kích cầu. Vấn đề xã hội trong báo cáo còn mờ nhạt. Niềm tin của nhân dân đối với sự phục hồi của nền kinh tế thấp. Vấn đề tham nhũng, lãng phí, đói nghèo, tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp. Trong những tháng còn lại của năm 2013, nếu thực hiện các chính sách không quyết liệt, các giải pháp không đồng bộ sẽ khó đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và chỉ tiêu thu ngân sách.
Nhiều ý kiến băn khoăn về mức độ chính xác của các chỉ tiêu trong báo cáo của Chính phủ (còn vênh nhau so với báo cáo thẩm tra), chỉ tiêu người lao động qua đào tạo, số giường bệnh đạt theo kế hoạch chỉ mang tính hình thức. Nhiều ý kiến băn khoăn với chỉ tiêu giảm nghèo, đặc biệt là các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, các chỉ tiêu về tỉ lệ thất nghiệp, tạo việc làm mới đạt được trong điều kiện kinh tế quá khó khăn như hiện nay và đề nghị Chính phủ giải trình thêm.
Nhiều đại biểu cho rằng, nhiều các con số đưa ra trong báo cáo chưa xác thực. Có ý kiến cho rằng những báo cáo của Chính phủ quá công thức, lặp đi lặp lại, không có sự cải tiến căn bản, không bám sát đời sống thực tiễn, không phân tích chính xác tình hình nên khó đưa ra các giải pháp. Thông tin do các báo cáo của Chính phủ cung cấp cho đại biểu không sát với tình hình thực tế, số liệu không có tính thuyết phục, đánh giá quá sơ lược, đại biểu khó có thể góp ý cho Chính phủ, nhân dân và công luận khó hình dung hết được khó khăn của nền kinh tế. Nhiều đánh giá của các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao không khớp với nhiều đánh giá của báo cáo. Chính phủ cần xem xét cách báo cáo tình hình kinh tế - xã hội. “Đề nghị mỗi kỳ báo cáo, Chính phủ nên tập trung phân tích sâu sắc một số nội dung đáng quan tâm nhất” – báo cáo nêu rõ./.