Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cuối tháng 10 vừa qua đã tiếp tục khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Lãnh đạo hai nước cũng thể hiện quyết tâm tạo bước đột phá về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Phóng viên VOV thường trú tại Nga phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ (PGS.TS) Vladimir Mazyrin, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề đương đại Đông Nam Á và khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga - một nhà khoa học Nga uy tín có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và quan hệ Nga-Việt về một số vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
PV: Thưa ông, là một nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về thực trạng quan hệ kinh tế thương mại giữa Liên bang Nga và Việt Nam hiện nay?
PGS. TS Mazyrin: Theo tôi được biết, Việt Nam và Liên bang Nga đều thừa nhận hợp tác kinh tế thương mại hiện nay chưa tương xứng với quan hệ chính trị và tiềm năng thực tế của cả hai nước. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong nhiều năm chưa đạt 1 tỷ USD, nhưng trong năm 2008, có dự báo cho rằng con số này sẽ nâng lên 1,6 tỷ USD. Hợp tác trong lĩnh vực đầu tư giữa hai nước hiện nay đang ở mức rất hạn chế. Tuy nhiên, trong năm nay và các năm tiếp theo, chúng ta có thể trông đợi vào những thay đổi khả quan hơn khi mà các thoả thuận về hợp tác đầu tư được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Nga cuối năm 2007 và chuyến thăm mới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt đầu được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy rằng Nga hiện nay chiếm vị trí rất hạn chế trong hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam nếu so sánh mối quan hệ này giữa Việt Nam với các đối tác lớn khác. Về khối lượng thương mại hai chiều Nga không đứng trong nhóm 10 đối tác lớn làm ăn với Việt Nam, về khối lượng đầu tư của Nga cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ tại Việt Nam. Do đó, tôi nghĩ rằng ngoài mong muốn chính trị của lãnh đạo hai nước thì cần phải có các cơ chế phù hợp để biến những mong muốn này thành những kết quả cụ thể.
PV:Như ông vừa nói là cần phải có những cơ chế cụ thể để biến những mong muốn chính trị của lãnh đạo hai nước trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại trở thành hiện thực. Theo ông các cơ chế này là gì?
PGS. TS Mazyrin: Tôi nghĩ rằng, sẽ rất có lợi nếu chúng ta sử dụng ngay những cơ chế quốc tế đã được thông qua. Điều này có thể giải quyết được bài toán đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại trong thời gian ngắn. Trước tiên đó là xây dựng khu vực tự do thương mại trong một hình thức nào đó. Đây là mô hình duy nhất có thể giải quyết hiệu quả những nhiệm vụ đặt ra hiện nay trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong một tương lai trung hạn. Tất nhiên để làm được điều này cần phải có những tiền đề, đó là Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trong tương lai gần Nga sẽ gia nhập tổ chức này. Tuy nhiên Nga chưa vào WTO cũng không phải là yếu tố cản trở việc thúc đẩy thành lập khu vực tự do thương mại. Việc này sẽ trải qua một số giai đoạn và có thể áp dụng kinh nghiệm thành lập khu vực tự do thương mại giữa Việt Nam với các đối tác. Trước hết cần phải ký kết các hiệp định về tự do thương mại, dịch vụ thương mại và các thoả thuận hợp tác riêng trong khuôn khổ mô hình hợp tác này và các thoả thuận trong các lĩnh vực khác. Khi đó chúng ta có thể tháo gỡ một số rào cản thương mại hiện nay, trước hết là thuế hải quan, tập trung các cơ chế hiện có để kích thích đầu tư, bảo vệ sở hữu trí tuệ, xoá bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại đang tồn tại trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
PV:Theo ông, những lĩnh vực nào được coi là thế mạnh hoặc tiềm năng của Việt Nam và Liên bang Nga mà hai bên cần tập trung khai thác, hợp tác kinh doanh trong thời gian tới?
PGS.TS Mazyrin: Trước tiên, phải khẳng định rằng một trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước và rất thành công là lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thông tin liên lạc của Nga cũng bắt đầu hợp tác đầu tư vào Việt Nam như Vympelcom đầu tư 1,5 tỷ USD để tham gia doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Việc khai thác và chế biến quặng boxit, sản xuất alumin và nhôm cũng sẽ trở thành một trong những lĩnh hợp tác quan trọng giữa hai nước. Hiện nay tập đoàn Rusal của Nga đã quyết định đầu tư từ 1,5-2 tỉ USD ngay trong giai đoạn đầu của dự án này. Trong lĩnh vực thương mại, rất nhiều mặt hàng truyền thống của Việt Nam có thế mạnh tại thị trường Nga như hải sản, cao su tự nhiên, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả... mà với công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể bảo quản tốt khi xuất khẩu sang Nga. Hiện có một thực tế là nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam được bán tại Nga được nhập khẩu từ nước thứ ba và tất nhiên là không mang các nhãn hiệu của Việt Nam. Do đó, đối với Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng hoặc quảng bá thương hiệu các sản phẩm này, tìm kiếm các kênh ủng hộ để phổ biến các thương hiệu này tại Nga. Việt Nam cũng nên tính đến khả năng chuyển một bộ phận các nhà máy của mình sang sản xuất trực tiếp tại Nga, sử dụng lao động là người Việt Nam, mua máy móc thiết bị, nhập khẩu công nghệ mới để sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga. Ngoài ra, khi tổ chức sản xuất tại Nga, hay xuất khẩu đều phải tính toán kỹ yếu tố cạnh tranh với hàng hoá của các nước khác.
Các doanh nghiệp Việt Nam phải khẳng định thế mạnh bằng chính chất lượng sản phẩm. Kinh tế Nga đã phát triển nhiều và đa số người dân Nga hướng tới các sản phẩm chất lượng, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần tính đến yếu tố này và tôi nghĩ rằng các hàng hoá chất lượng hiện nay Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ và các nước phát triển hoàn toàn có thể tìm được khách hàng của mình tại Nga. Chính điều này cũng sẽ làm thay đổi hình ảnh Việt Nam như là một nước có nền kinh tế rất phát triển và đây cũng là động lực để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Việc hợp tác qua kênh nhà nước cũng hết sức cần thiết, nó sẽ phát huy vai trò của nhà nước trong điều tiết nền kinh tế. Nhà nước có thể đóng vai trò là đối tác chính thực hiện các chương trình mua các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực.
PV: Với điều kiện như hiện nay, theo ông các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm điều gì khi quyết định đầu tư hoặc kinh doanh tại thị trường Nga?
PGS, TS Mazyrin: Theo tôi, hiện đang có nhiều điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Nga. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết mới đây, hai nước đã ký gói thoả thuận về hợp tác lao động, do đó các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga có thể sử dụng chính nhân công là người Việt Nam. Một yếu tố rất quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm là phải tuân thủ luật pháp Nga, nhất là trong việc sử dụng lao động nước ngoài. Ngoài ra, sự điều tiết thị trường từ phía chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền ngày càng rõ ràng và chính thị trường tại Nga cũng trở nên minh bạch và tự do hơn. Đây cũng là yếu tố thuận lợi đối với doanh nghiệp Việt Nam. Một lý do nữa hiện nay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nhiều nước.
Chúng tôi được biết Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hoá vào thị trường Mỹ và EU, tuy nhiên với những nguyên nhân khách quan như hiện nay thì mức tiêu thụ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường này sẽ giảm. Đúng lúc này nên xây dựng những điều kiện thuận lợi để những hàng hoá này chuyển hướng sang thị trường Nga. Tuy nhiên, cần lưu ý hợp tác với các đối tác lớn, nghiêm chỉnh của Nga, có thể thực hiện qua việc ký hết các thoả thuận với chính quyền thành phố Moscow, hoặc chính quyền các khu vực như Viễn Đông, Siberi của Nga… để đưa nguồn hàng này vào Nga. Theo tôi, điểm quan trọng nữa đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải xác định đúng nơi sẽ quyết định đầu tư, kinh doanh. Hiện nay số lượng lao động nhập cư và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm của Nga, do đó tại các khu vực như Viễn Đông hay Siberi đang thiếu hụt nhân công nghiêm trọng. Kinh nghiệm hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam tại Viễn Đông, Primori đã chứng tỏ rằng các khu vực này có những điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam. Các doanh nghiệp này cũng đang tập trung vốn để phát triển hơn nữa.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2012 tại Viễn Đông, Chính phủ Nga cũng đang đầu tư rất lớn vào khu vực này, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, nếu các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thì chắc chắn sẽ có thể tham gia vào rất nhiều dự án tại đây, tuy nhiên điều này cần được thực hiện theo các thoả thuận trong khuôn khổ hay hình thức hợp tác mà tôi đã đề cập ở trên.
PV:Xin cảm ơn ông!