Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2014. Trong đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm tăng 5,98% - cao nhất kể từ năm 2011; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm rõ rệt, kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục. Đây là những dấu hiệu quan trọng cho thấy tín hiệu phục hồi của nền kinh tế cũng như hiệu quả trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về những kết quả kinh tế - xã hội năm 2014 cũng như những thách thức của kinh tế Việt Nam năm 2015.
PV: Thưa ông, ông có nhận định gì về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế thông qua các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Tình hình kinh tế 2014 có dấu hiệu tích cực. GDP tăng 5,98%, vượt mục tiêu đặt ra là 5,8%. Nông nghiệp cũng ghi nhận dấu ấn rất tích cực, lúa tăng 955 nghìn tấn, nuôi trồng thủy sản tăng mạnh. Khu vực công nghiệp và xây dựng năm nay cũng tăng trưởng rất mạnh. Riêng ngành công nghiệp chế biến tăng 98%. Công nghiệp khai khoáng năm ngoái âm thì năm nay đã tăng 2,5%.
Ngành xây dựng sau nhiều năm tăng trưởng không cao, năm nay đã tăng trưởng tốt. Nói chung, 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì khu vực nông nghiệp và công nghiệp tăng trưởng tốt hơn năm ngoái, còn khu vực dịch vụ thấp hơn năm ngoái.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2014 tăng 1,84% so với tháng 12 năm 2013, bình quân 12 tháng của năm nay so với năm 2013 tăng 4,09%. Giá cả thấp, ổn định sẽ giúp Chính phủ có dư địa thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, đồng thời người dân tin tưởng hơn và chi tiêu tốt hơn. Tỉ lệ thất nghiệp tăng thấp, lao động việc làm được giải quyết. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2014, ước tạo thêm việc làm cho 1 triệu lao động. Đó là những tín hiệu rất tốt của nền kinh tế.
PV: Bên cạnh những thành tựu của kinh tế Việt Nam năm 2014, Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Xin ông cho biết cụ thể về những thách thức này?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Thách thức thứ nhất là lạm phát tuy kiểm soát ở mức thấp nhưng chịu ảnh hưởng nhiều của các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là giá cả của nguyên nhiên vật liệu. Nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mở, tăng trưởng phụ thuộc vào giá trị xuất nhập khẩu, đặc biệt chúng ta nhập khẩu 91,2% là tư liệu sản xuất, nên nếu giá cả thế giới biến động lớn sẽ ảnh hưởng đến chúng ta.
Ngoài ra, sản xuất của khu vực doanh nghiệp mặc dù có những dấu hiệu phục hồi nhưng còn thách thức, đặc biệt trong năm 2015 và những năm tiếp theo khi chúng ta tham gia vào cộng đồng chung ASEAN, có sự cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp trong khối ASEAN.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng vừa ký nhiều hiệp định và phải thực hiện các cam kết trong những hiệp định đó. Thứ ba, quá trình tái cơ cấu đã diễn ra với nhiều dấu hiệu tốt song còn chậm, cần đẩy mạnh giải quyết vấn đề này. Cầu nội địa vẫn còn yếu. Cán cân thương mại tuy thặng dư song chưa bền vững.
Năng suất lao động Việt Nam thấp. Năng suất lao động là phương thức quan trọng nhất để chúng ta nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong thời gian qua, năng suất lao động đã được cải thiện tốt nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Đó là thách thức rất lớn với nền kinh tế trong năm 2015 và các năm tiếp theo.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm tới, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thô đang giảm mạnh?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Dầu là mặt hàng chiến lược trong tăng trưởng của Việt Nam. Đó cũng là nguyên liệu đầu vào của dân cư và các ngành sản xuất. Giá dầu tăng thấp là điều rất tốt cho nền kinh tế vì nó làm cho chi phí sản xuất giảm. Mặc dù nó ảnh hưởng đến khai thác dầu thô, giá dầu thô, thu ngân sách của chúng ta song chúng tôi đánh giá mặt thuận lợi là nhiều hơn. Khai thác dầu thô của chúng ta giá thành không phải quá cao nên Chính phủ sẽ có giải pháp để làm sao hạn chế tác động của giá dầu thô giảm. Đồng thời tận dụng được mặt tích cực của giá dầu giảm đối với chi phí sản xuất của nền kinh tế.
PV: Cảm ơn ông!/.