Sáng nay (13/12), tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách".

Báo cáo tại hội thảo cho thấy, theo chiến lược và quy hoạch phát triển ngành năng lượng Việt Nam từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, mỗi năm ngành năng lượng Việt Nam cần tới hàng chục tỷ USD để đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác, chế biến than - dầu khí; các dự án nguồn và lưới điện, năng lượng tái tạo...

hoi-thao-von.jpg
Hội thảo khoa học:Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bác

 Trong đó, riêng về đầu tư công trình điện, theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (còn gọi là quy hoạch điện 7), chỉ riêng nhà máy nhiệt điện chạy than đã phải xây dựng 54 nhà máy.

Ngoài ra còn có các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng và cả nhà máy điện hạt nhân; đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải và phối điện trên phạm vi cả nước.

Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021-2030 là 75 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án rất chậm trễ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu vẫn là tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong từng dự án, một số dự án chưa rõ nguồn vốn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng luợng – Bộ Công thương cho biết: “Chúng tôi nhận định đến năm 2015 các dự án nguồn của EVN, PVN, TKV và các nhà đầu tư trong và ngoài nước bị chậm tới 4.000 MW so với tiến độ quy định. Việc huy động vốn cho các dự án điện là bài toán trung và dài hạn. Vì hậu quả của việc chậm dự án tác động ngay đến việc từ năm 2013, 2014 dự phòng điện của miền Nam rất thấp và bắt đầu từ năm 2016, 2017, 2018 là trong 3 năm không có dự phòng. Thiếu hụt công suất tại chỗ để cung cấp cho nhu cầu của vùng miền”.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá thực trạng đầu tư nguồn vốn cho các dự án nguồn điện và lưới điện của Việt Nam trong quy hoạch điện 7.

Những bất cập, hạn chế của các cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư các dự án điện hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp điều chỉnh quy hoạch phù hợp với nhu cầu phụ tải và khả năng đáp ứng về vốn đầu tư trong thời gian tới; mở ra cơ hội cho các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia mạnh mẽ vào các dự án điện của đất nước./.