Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014, cải cách thể chế là một trọng tâm được đề cập đến với vị thế là một động lực mới cho phát triển. Tuy nhiên, việc tạo dựng động lực mới này như thế nào, các chuyên gia có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song nhìn chung việc này còn đang là một bài toán khó.
Nguy cơ mâu thuẫn giữa các thể chế cụ thể vẫn hiện hữu
TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, "cải cách thể chế kinh tế là việc thiết lập, bổ sung và thay đổi các quy tắc, luật lệ, trước hết là các quy tắc luật lệ chính thức. Cải cách thể chế nhanh hay chậm, ở quy mô lớn hay quy mô nhỏ,... phụ thuộc vào việc liệu nhà nước thực sự muốn thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình hay không”. Vì, “điểm nghẽn về thể chế nằm ở chính vai trò và chức năng của Nhà nước, trước hết là của Chính phủ”.
Cải cách thể chế là một trọng tâm thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 |
Vì thực tế, “điểm nghẽn của thể chế đang nằm ở vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện nay không còn phù hợp; nhưng chúng ta lại rất ít bàn thảo đến đổi mới vai trò của Nhà nước và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Vì vậy, có thể vẫn chưa có đổi mới thể chế toàn diện và hệ thống; có chăng chỉ là những thay đổi đơn lẻ, ở một số thể chế cụ thể. Nguy cơ xung mâu thuẫn giữa các thể chế cụ thể vẫn hiện hữu”- ông Cung nói.
Cho nên, theo TS Nguyễn Đình Cung, đột phá về thể chế cần thiết khi quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đang có các "điểm nghẽn" hay "nút thắt"; và đột phá về thể chế xảy ra khi các thể chế hợp lý được thiết lập kịp thời với quy mô thay đổi đủ lớn, đủ mạnh để tháo bỏ được các nút thắt, điểm nghẽn đó”.
Cũng vì đó mà để có được động lực phát triển mới từ cải cách thể chế, “có sự đột phá thể chế xảy ra hay không phụ thuộc vào việc liệu Nhà nước có biết được đầy đủ mức độ và tính chất nghiêm trọng của các "điểm nghẽn" và "nút thắt", và có sẵn sàng thay đổi vai trò và chức năng của mình tạo điều kiện cho một thay đổi thể chế hợp lý với quy mô đủ lớn và đủ mạnh tương ứng với mức độ và tính chất nghiêm trọng của các điểm nghẽn và nút thắt của quá trình chuyển đổi”.
Mặc dù tính cấp thiết việc của việc cải cách thể chế sẽ quyết định chi phối quan trọng đến thành quả tiến trình cái cơ cấu kinh tế, song nhìn vào thực tế hiện nay, TS Trần Đình Thiên cho rằng, “hiện nay chúng ta thiếu hẳn những cải cách thể chế mang tính đột phá, còn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung vẫn diễn ra chậm chạp, khiến cho cơ cấu nền kinh tế sau gần 3 năm “quyết liệt hô hào” hầu như vẫn không nhúc nhích theo đúng lộ trình”.
Cần cải cách quy trình làm luật
Vì thế, theo ông Hiền, “phải đổi mới việc xây dựng các dự án luật, từ quan điểm nhận thức. Hiện nay, quy trình xây dựng luật, trong đó quá trình chuẩn bị luật, chủ yếu nhóm chuyên viên được giao sẽ làm, do đó phụ thuộc vào trình độ của nhóm chuyên viên này. Điều này có thể nảy sinh tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm. Đây là thực tế chúng tôi đã được chứng kiến”.
Do đó, ông Hiền kiến nghị: “Cần cải cách cả quy trình xây dựng luật. Cần phân rõ trách nhiệm các cấp, phát huy sức sáng tạo rộng hơn của các địa phương”.
Còn ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, kiến nghị khi tiến hành cải cách thể chế cần lưu ý 3 vấn đề: Một là, xây dựng thể chế phải tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế. Hai là, phải xây dựng thể chế có khả năng phòng vệ và bảo hộ sản xuất trong nước một cách chính đáng, giảm rủi ro trong hội nhập. ba là, phải tranh thủ cơ hội và lợi ích của hội nhập quốc tế, đặc biệt là đổi mới công nghệ, sáng tạo. Đặc biệt, “cần siết lại kỷ cương thực thi thể chế”- ông Thảo nhấn mạnh./.