Hôm nay (22/2), tại Hà Nội, Tạp chí nghiên cứu lập pháp thuộc Văn phòng Quốc hội và Tạp chí Pháp luật và Phát triển của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Việc hoàn thiện thể chế chính trị, hoàn thiện chế định quyền con người, quyền công dân là nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến tại hội thảo.
Các ý kiến thảo luận tại hội thảo đều thống nhất nhận định: Bản dự thảo Hiến pháp đã có những nhận thức mới về nội dung cũng như cách thức thể hiện. Theo đó, nội dung “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” đã được quy định đầy đủ, sâu sắc và nhất quán hơn, thể hiện bước tiến mới về nhận thức lý luận. Bộ máy Nhà nước được tiếp tục đổi mới theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng: "Tôi mong đợi là Hiến pháp thể hiện cho được trên thực tế quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề chung nhất, còn nhiệm vụ của Quốc hội sau này là phải luật hóa những chế định cơ bản về quyền con người, quyền công dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân".
Liên quan đến việc hoàn thiện thể chế chính trị, nhiều đại biểu đề nghị bản dự thảo cần hoàn thiện các quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng mang tính cam kết pháp lý rõ ràng để Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự xứng đáng với vai trò hiến định về sự lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội; cần kiên quyết hơn trong việc phân định thẩm quyền giữa Quốc hội và nhân dân, Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước và chính quyền địa phương.
TS Bùi Ngọc Thanh- nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị: "Dự thảo đã bỏ đi việc Quốc hội quy định, quyết định chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Theo tôi phải giữ lại điểm này để chống sự tự do hóa trong xây dựng luật".
Theo các nhà khoa học, trong tổng số 124 điều của bản dự thảo Hiến pháp có tới 38 điều quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, chiếm hơn 30% tổng số điều là một thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, TS Hoàng Văn Nghĩa, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Tên chương 2 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân không mang tính khái quát cao, đề nghị sửa là “các quyền và tự do cơ bản” hoặc “các quyền và tự do cơ bản của con người”. Về các quyền cụ thể quy định trong chương này, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn nội hàm của mỗi quyền, đồng thời bổ sung một số quyền mới như quyền giám sát và phản biện xã hội, quyền tư pháp của người chưa thành niên.../.