LTS:

 

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dừng đầu tư ra ngoài ngành, tính toán rút dần các khoản đã đầu tư ngoài ngành để tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chính.

Đặc biệt, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị TW 3, khóa XI, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015”.

Tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước được coi là một trong ba trụ cột của nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được nghi trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Ban chấp hành TW  khóa XI.

Theo tinh thần đó, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành là một mệnh lệnh nhất quán, cương quyết, nằm trong tổng thể nhiều giải pháp tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty.

VOVonline giới thiệu loạt bài: "

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở các tập đoàn Nhà nước:
Mệnh lệnh không thể trì hoãn".
Trước tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả kinh doanh thấp dẫn đến thất thoát, thua lỗ ở không ít các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thời gian qua, đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải chấn chỉnh lại lực lượng kinh doanh này, với mục tiêu để các doanh nghiệp Nhà nước thực sự là công cụ định hướng hữu hiệu trong nền kinh tế thị trường. Và một trong những mặt yếu kém, cần chấn chỉnh gấp của khu vực kinh tế nay, chính là tình trạng đầu tư tràn lan ra ngoài ngành kinh doanh chính của các tập đoàn, gây nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội, thậm chí là chính trị có hể nói là khá nhiêm trọng.

Thời điểm “đỉnh cao” của “phong trào” đầu tư kinh doanh đa ngành ở các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là giai đoạn 2007-2008. Với tham vọng trở thành các “chea bol” của Việt Nam, nhiều tập đoàn, mà điển hình là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn điện lực Việt nam (EVN)… đã thành lập các công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao.

Do kiểm soát thiếu chặt chẽ, đầu tư dàn trải, phân tán  nên nhìn chung, việc các hoạt động đầu tư như vậy đều không phát huy hiệu quả, thậm chí còn tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Một báo cáo của Bộ Tài chính đã chỉ ra rằng: Các tập đoàn Nhà nước đầu tư ngoài ngành gần 22.000 tỷ đồng, trong đó có 3.576 tỷ đồng vào chứng khoán, 2.236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 5.379 tỷ đồng vào bất động sản, vào quỹ đầu tư 495 tỷ đồng; riêng lĩnh vực ngân hàng vượt trội với 10.128 tỷ đồng.

Trong số các tập đoàn đầu tư ra ngoài ngành, dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí, với hơn 6.700 tỷ đồng, tiếp đến là tập đoàn Công nghiệp cao su với hơn 3.800 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng đầu tư ngoài ngành hơn  2.100 tỷ đồng. Trong đó trên 80% nguồn vốn trên đã được đầu tư vào  kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư- nhưng ngành kinh doanh vốn xa lạ với chức năng chính của các doanh nghiệp này.

Nhìn vào thực trạng nêu trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: “Hầu hết tập đoàn kinh tế Nhà nước quá thiên về mở rộng qui mô đầu tư, đầu tư lại khá dàn trải, chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu, nên hiệu quả đầu tư thấp. Điểm đáng lưu ý, một số tập đoàn kinh tế Nhà nước mặc dù năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính nhưng vẫn thực hiện đầu tư ra ngoài ngành nghề”.

Theo những con số của Bộ Tài chính đưa ra và đánh giá của Bộ kế hoạch và Đầu tư, có thể thấy giá trị đầu tư của các tập đoàn Nhà nước là rất lớn và cần phải xem xét, tính toán lại. Đặc biệt, những lĩnh vực đầu tư chủ yếu là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… Đây là những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao. Và thực tế trồi sụt của các thị trường này thời gian qua đã khiến  những nhà đầu tư “không chuyên” phải gánh chịu những bài học rất đắt.

Việc đầu tư dàn trải, đa ngành khiến nguồn lực phân tán, làm cho các tập đoàn nhà nước xa rời mục tiêu chính yếu của mình. Hơn nữa, sự non kém về kinh nghiệm quản trị kinh doanh ở những lĩnh vực mới cũng là nguyên nhân khiến việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn là “lỗ nhiều hơn lãi”.

Kết quả kiểm toán Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được công bố cho thấy thực trạng rất đáng lo ngại trong hiệu quả kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của ngành này. EVN đã đầu tư trên 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực là: bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính. Tập đoàn này đầu tư 100% vốn vào Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telcom), với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009. Số nợ phải trả của EVN tính đến hết năm 2010 là trên 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn.

Điều đáng lo ngại là ở một số tập đoàn, mặc dù năng lực tài chính còn hạn chế, đang thiếu vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh chính nhưng các tập đoàn vẫn thực hiện đầu tư ra ngoài ngành nghề. Đó là điều rất đáng  lên án.

Bài học đắt giá nhất về quản lý lỏng lẻo, kinh doanh yếu kém, cả trong ngành lẫn các dự án ngoài ngành là tập đoàn Vinashin. Hậu quả mà doanh nghiệp này gây ra còn cần rất nhiều thời gian, công sức và tài lực mới có thể khắc phục được. Phân tích sâu hơn về hệ quả của đầu tư tràn lan ngoài ngành của các tập đoàn, TS Trần Du Lịch - đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng: “Việc đầu tư tràn lan dẫn đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư thấp, không cân đối giữa khả năng và nguồn vốn với nhu cầu đầu tư và không xử lý được cơ cấu tài chính của doanh nghiệp. Thậm chí có những tập đoàn đưa vốn vào hàng trăm doanh nghiệp thì việc quản trị tài chính, quản trị nguồn vốn bất cập, không có nguồn nhân lực mà tổ chức đó đang có. Dẫn tới kết quả là cái chính làm không xong mà cái phụ thì cũng không được”.

Theo một khảo sát của  Ban đổi mới sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước trung ương vừa công bố, trong 10 năm qua, sau khi sắp xếp lại, số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn chiếm khoảng 20%.

Chính vì vậy, theo Nguyên Bộ trưởng kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, trong đó nổi lên hàng đầu là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, là việc cần phải làm ngay.

“Thoái vốn là việc cần thiết phải làm như là một công việc để tái cấu trúc DNNN. Tái cấu trúc DNNN đầu tiên phải tái cấu trúc chức năng: DNNN có được làm lĩnh vực đó hay không chứ không hẳn vì anh không đủ vốn, đầu tư đó không hiệu quả. Có những thứ có hiệu quả nhưng mà lĩnh vực đó anh đừng mó tới”.

Tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát vốn, thua lỗ nhiều, nợ đọng lẫn nhau của các doanh nghiệp… không chỉ là sự lãng phí nguồn lực quốc gia, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tính bình đẳng và minh bạch của môi trường kinh doanh nói chung. Điều đó còn khiến dư luận quan ngại về  việc thực hiện vai trò dẫn dắt và định hướng cho cả nền kinh tế của các doanh nghiêp Nhà nước.

Vấn đề đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước đã được đặt ra ngay từ khi chúng ta thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa. Tuy vậy, hơn 20 năm qua, tiến trình này chưa đạt yêu cầu như mong đợi, thậm chí có nhiều khúc quanh co. Nguyên nhân sâu xa vẫn là do lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích “nhóm” chi phối, trì níu.

Từ thực tế này, tại Hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: “Ngay trong cuối năm nay, trễ lắm là trong quí 1/2012, các đồng chí phải trình phương án tổ chức lại, sắp xếp lại theo hướng cơ cấu lại dể tập trung sức vào ngành nghề chính. Các Tập đoàn, DNNN phải trung vào thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao, đi liền với hoàn thiện lại quản trị, điều hành để chúng ta làm tốt hơn”.

Như vậy, để tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, nhất định không được do dự thúc đẩy quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp này.

Đi liền với việc thoái vốn là định vị rõ hơn “thiên chức” của các doanh nghiệp nhà nước, xác định rõ lực lượng này sẽ làm gì, đóng vài trò cụ thể như thế nào đối với nền kinh tế, từ đó qui hoạch lại số lượng, cơ cấu, qui mô, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước.

Lộ trình thoái vốn của một số tập đoàn:

Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (Vinacomin) đang xem xét thoái vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội, Công ty cổ phần Chứng khoán SHS, Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB – Vinacomin.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện vẫn còn vốn khá lớn tại hai ngân hàng là PG Bank và Ocean Bank. Trong tổng số 6.708 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, có tới 5.636 tỷ đồng đang đổ vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, chiếm tới 84%.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuyển toàn bộ Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVNTelecom) sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. EVN cũng đang có kế hoạch thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng.