Ngày 27/6, Bộ GTVT tổ chức hội nghị đối thoại vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

ub2_vov_gmvo.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì Hội nghị đối thoại vận tải hành khách bằng taxi và ứng dụng Uber, Grab.

Nhiều ý kiến cho rằng đang có sự bùng phát số lượng phương tiện Uber và Grab ở nước ta, việc không kiểm soát được số lượng phương tiện dẫn đến sự cạnh tranh bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh vận tải, thuế giữa taxi truyền thống và loại hình ứng dụng kết nối vận tải Uber, Grab.

Đặc biệt, nhiều ý kiến còn "tố" Uber và Grab hoạt động chui, trốn thuế và cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam với việc triển khai dịch vụ đi chung xe Grab (Grabshare), Uber (UberPOOL).

13 vòng kim cô đang “bóp chết” taxi truyền thống

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, trong khi taxi truyền thống có tới “13 vòng kim cô” quy định khi thành lập và triển khai hoạt động thì Uber và Grab, sau khi được thí điểm triển khai ứng dụng, họ không bị ai kiểm soát. Bằng chứng là trong khuyến mại cho hành khách, theo quy định chỉ có 90 ngày nhưng các doanh nghiệp này lại làm có khi tới cả năm, việc này gây nhiều khó khăn cho taxi truyền thống.

“Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị Bộ GTVT và các Bộ sửa đổi Nghị định 86 sắp xếp đưa xe này không vào diện xe hợp đồng vì không thể quản lý số lượng và thất thu thuế”, ông Bình kiến nghị.

Việc cố tình triển khai dịch vụ đi chung xe, Uber và Grab bị "tố" trốn thuế và đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Ảnh minh họa: KT

Ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng ban thư ký Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng con số Uber và Grab ở Hà Nội hiện khoảng 40.000 xe, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước không thể quản lý và nắm được số lượng. Điều này dẫn đến dịch vụ xe này “nở rộ”, nhưng nhà nước lại thất thu thuế.

“Với nguồn lực tài chính lớn, Uber và Grab đưa ra chương trình giảm giá trái pháp luật. Các chương trình này vi phạm Nghị định 37 năm 2016 của Luật Thương mại”, ông Long phân tích.

Từ đó, Hiệp hội taxi Hà Nội không xin Nhà nước bảo hộ mà sẵn sàng cạnh tranh với các đối thủ Grab, Uber. Nhưng phải có chính sách để tạo sự cạnh tranh bình đẳng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phải bắt Uber và Grab vào diện quản lý để thu thuế

Bà Trần Thị Thu Trang, đại diện Taxi Thủ đô Sao bức xúc, “Uber và Grab đang không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Khi Grab có gửi giấy mời Bộ GTVT khai trương dịch vụ xe đi chung, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu không được phép triển khai. Nhưng, Grab vẫn tiếp tục triển dịch vụ đi chung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, Bộ đã có công văn yêu cầu không triển khai dịch vụ đi chung đối với xe hợp đồng với cả Grab và Uber, nhưng cả hai đơn vị này vẫn đang tiếp tục triển khai.

"Nếu không xử lý dứt điểm sẽ gây ra sự hỗn loạn trên thị trường", bà Trang nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch hệ thống Công ty Phú Hoàng - Cát Tiên Sa (Đà Nẵng) nêu vấn đề, TP. Đà Nẵng thực hiện rất nghiêm việc quy hoạch số lượng xe taxi trên địa bàn. 3 năm nay, taxi truyền thống không thêm được chiếc xe nào. Lý do gì Grab chưa được chính quyền thành phố Đà Nẵng cho phép mà đã có 1.000 xe hoạt động tại Đà Nẵng?

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thanh  cho rằng cần phải thanh tra thuế của Grab, Uber, nếu phát hiện phải xử thật nghiêm.

"Bộ GTVT đã có 2 văn bản yêu cầu Grabshare chấm dứt hoạt động, nhưng đến nay dịch vụ này vẫn tiếp tục hoạt động. Căn cứ vào vi phạm này có thể đình chỉ ngay thí điểm của Grab", bà Nguyễn Đào Tơ, đại diện Taxi Hoàng Gia đề xuất.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng cần phải thanh tra thuế của Grab, Uber.

“Nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, đóng cửa không cho vào Việt Nam. Việc này kiểm soát không quá khó, vì các công ty này đều ở nước ngoài, chỉ cần kiểm soát việc ngân hàng chuyển tiền về nước ngoài như thế nào thì đều nắm được, cơ bản là cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc một cách quyết liệt”, ông Thanh đề xuất.

Bên cạnh đó, đại diện các hãng taxi truyền thống kiến nghị dừng cấp phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ và coi Grab và Uber là taxi, quản lý giống như taxi, tạm dừng mở rộng thí điểm hợp đồng điện tử.

Sẽ xử lý hành vi coi thường phát luật của Grab

Giải đáp các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Uber, Grab xuất hiện dẫn đến đảo lộn hoạt động của taxi truyền thống. Quản lý Nhà nước đang phải làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp. Phải có sơ kết, đánh giá, tổng kết hoạt động thí điểm, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GTVT sẽ làm việc với Grab và Uber, trong đó sẽ mời lãnh đạo 4 thành phố thí điểm, lãnh đạo Bộ Công thương, Tư pháp để làm rõ hơn về mô hình. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu hai đơn vị này phải làm đúng quy định của pháp luật. "Tôi đồng tình với các ý kiến, khi Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc yếu cầu dừng mà Grab vẫn khai trương tưng bừng dịch vụ xe đi chung. Đây thể hiện sự coi thường pháp luật. Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm", Thứ trưởng Trường nói./.