Nhằm giúp doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, vừa qua, lần đầu tiên Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố tổ chức kết nối hơn 100 hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất của 14 tỉnh, thành phía Nam với các doanh nghiệp, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM. Đây là hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu mua sắm Tết.
Muốn hàng vào siêu thị, phải đạt tiêu chuẩn
Từ lâu, Hậu Giang đã nổi tiếng với các sản phẩm như: Bưởi hồ lô, quýt đường Long Trị, khóm Cầu Đúc, chả cá thác lác… Đây là những đặc sản của tỉnh vì thơm ngon mà ít địa phương nào có được. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã có quy hoạch và khuyến khích người dân sản xuất những sản phẩm này theo tiêu chuẩn an toàn, song việc tìm đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững là điều không đơn giản.
Rau sạch vào siêu thị còn hạn chế (Ảnh: Hanoimoi) |
Ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho biết: “Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại và kết nối chưa nắm bắt được các siêu thị lớn. Việc kết nối với các doanh nghiệp TPHCM này sẽ đưa một số hàng hóa đặc trưng của Hậu Giang vào hệ thống siêu thị TPHCM và các doanh nghiệp lớn để tiêu thụ các hàng hóa của Hậu Giang”.
Có thể thấy, thiếu thông tin trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm là tình trạng chung của nhiều nhà sản xuất tại các địa phương, khiến cho hàng nghìn hộ nông dân, hợp tác xã sau thời gian đầu tư theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP gặp khó khăn phải quay về sản xuất theo phương pháp thông thường. Trong khi đó các nhà phân phối lớn lại yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm vào hệ thống của mình rất khắt khe.
Tại chương trình kết nối, đại diện các nhà phân phối lớn như Saigon Co.op, BigC, CitiMart cùng 3 chợ đầu mối lớn của TPHCM là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn đã cung cấp thông tin rất cụ thể cho các doanh nghiệp về các tiêu chuẩn hàng hóa vào siêu thị, cũng như tìm kiếm các sản phẩm độc đáo từ các vùng miền để phục vụ thị trường trong dịp Tết.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM cho biết: Để vào được hệ thống Co.opmart, đối với hàng nông, thủy, hải sản, thực phẩm tươi sống nói chung, đòi hỏi các nhà vườn, thứ nhất là các nhà sản xuất phải đăng ký tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt của Bộ Nông nghiệp, có nghĩa là phải tiêu chuẩn VietGap đối với các loại rau củ quả trái cây. Thứ hai, phải có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ ba, nếu qua sơ chế, chế biến thì phải được sản xuất trên một quy trình theo tiêu chuẩn HACCP.
Còn bất cập trong liên kết sản xuất và tiêu thụ
TPHCM hiện có hơn 10 triệu dân, nhưng chỉ có 30 trung tâm thương mại, hơn 160 siêu thị, gần 500 cửa hàng tiện ích và hơn 240 chợ truyền thống. Nhu cầu của người dân về các mặt hàng nông sản, thủy sản là rất lớn trong khi đó các nhà sản xuất nông sản, thủy sản nhiều nhưng đa phần còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm làm ra chưa được áp dụng kỹ thuật nên còn kém chất lượng…
Bên cạnh đó, sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản còn nhiều bất cập. Vì vậy thông qua việc kết nối này, Sở Công thương TPHCM mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất trực tiếp tiếp cận hệ thống phân phối, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: “Vừa qua, nhiều DN nói hàng muốn vào hệ thống phân phối tại TPHCM rất khó. Chúng tôi nghĩ rằng có tình trạng này là do chưa cập nhật được thông tin và chưa nắm chắc tiêu chí hàng hóa vào từng hệ thống. Thông qua buổi kết nối này, chúng tôi muốn các hệ thống phân phối của TPHCM sẽ giới thiệu các tiêu chí, chuẩn hàng hóa và cái cơ chế để khi vào từng hệ thống thì như thế nào để các DN tỉnh có thể cập nhật được thông tin đó để làm sao trong quá trình sản xuất đáp ứng được các điều kiện để có thể vào được các hệ thống phân phối tại TPHCM”.
Từ chương trình kết nối này, đã có hơn 40 bản thỏa thuận hợp tác bao tiêu giữa nhà sản xuất và phân phối được ký kết. Về lâu dài, hệ thống các nhà phân phối của TPHCM sẽ kết hợp với địa phương tiến hành tìm kiếm các mặt hàng đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu để tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Về phía Sở Công Thương TPHCM cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai chương trình này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, cũng như kết nối đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt./.