Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày mỗi người sử dụng hơn 1 chiếc túi nilon. Mỗi ngày, Hà Nội thải ra 4.000-5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày.
Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
Các mặt hàng từ rau cải, rau dền, dưa leo, bắp cải, đậu ve, súp lơ... đều được bó bằng lá chuối. |
Theo rất nhiều nghiên cứu, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Chất thải nhựa nilon khi đốt sẽ tạo ra khí độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh đã thay thế túi nilon, túi nhựa thành các sản phẩm hữu cơ, túi tự phân hủy để bảo vệ môi trường. Cụ thể, một số siêu thị đã ngừng bọc thực phẩm bằng túi nilon, thay vào đó là bọc bằng lá chuối.
Các sản phẩm thực phẩm tươi sống được trưng bày và đóng gói bằng lá chuối, hạn chế dùng túi ni lông. |
Hoặc trên hệ thống bán lẻ gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers trên cả nước sẽ ngưng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa. Thay vào đó, các đơn vị thành viên sẽ đưa vào kinh doanh ống hút giấy, ống hút gạo thân thiện với môi trường thay cho ống hút nhựa.
Chưa dừng lại tại đó, nhiều địa điểm kinh doanh đã có nhiều biện pháp khác nhau để giảm thiểu tối đa các chất thải từ nhựa, nilon như triển khai thay thế các loại túi đang sử dụng hiện tại sang những loại túi có thể tự phân hủy hoặc các sản phẩm thay thế với hiệu quả tương đương nhưng lại mang giá trị bảo vệ môi trường cao hơn, thay thế hộp xốp đựng thức ăn tại quầy thực phẩm nấu chín của siêu thị bằng hộp bã mía tốt cho sức khỏe.
Mới đây, Lotte Mart cũng đã đưa túi thân thiện để thay thế túi nhựa, túi nilon. Theo cam kết của doanh nghiệp này, tới năm 2025 sẽ ngừng hoàn toàn sử dụng túi nilon.
Theo cam kết của doanh nghiệp này, tới năm 2025 sẽ ngừng hoàn toàn sử dụng túi ni-lông. |
Theo đó, các sản phẩm túi thân thiện có sức chứa từ 7 - 15kg và có tuổi thọ kéo dài từ 6-8 tháng thậm chí là 1 năm. Tuy nhiên, khác với các sản phẩm túi nilon, các dòng túi thân thiện khi thải ra môi trường sẽ có tốc độ tiêu hủy nhanh chóng, làm giảm các tác động có hại tới môi trường.
Việc thay thế túi nilon, túi nhựa thành các sản phẩm túi thân thiện, túi tự tiêu hủy đang nhận được rất nhiều sự hưởng ứng từ người dân, khách hàng.
Chị Tú Anh (Hà Nội) cho rằng, việc sử dụng túi thân thiện, các sản phẩm tự nhiên không chỉ bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe của chính khách hàng.
"Tôi cho rằng việc ngừng sử dụng túi nilon là điều cần thiết cho cả đơn vị kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh các doanh nghiệp ngừng sử dụng túi nilon", chị Tú Anh nói.
Tuy nhiên, có một thực tế, các sản phẩm túi thân thiện hoặc lá chuối bọc thực phẩm đang có giá đắt hơn rất nhiều so với túi nilon. Vì vậy khó có chuyện các doanh nghiệp từ bỏ túi nilon trong một sớm, một chiều.
Đại diện của một chuỗi bán lẻ lớn tại Việt Nam chia sẻ: "Để từ bỏ túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày, đi chợ hay đi siêu thị còn cả một chặng đường dài phía trước. Bởi lẽ, nền công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là các sản phẩm thay thế cho túi nilon còn đang thiếu và yếu, giá thành lại cao nên nhiều doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ trước khi quyết định thay thế hoàn toàn. Về dài hạn, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu các sản phẩm thay thế cho túi nilon và có giá thành rẻ hơn"./.
Người Hà Nội thải bao nhiêu túi nilon/ngày?