Được sự ủy quyền của UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đang hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Liên minh châu Âu.
Trước đó, cùng với thành công trong việc yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà một doanh nghiệp đăng ký độc quyền tại nước này, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, với sự giúp đỡ của Dự án hỗ trợ chính sách Đầu tư và Thương mại châu Âu, tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng hồ sơ để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Liên minh châu Âu.
Ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết, thời gian qua, các chuyên gia của Liên minh châu Âu thông qua Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam đã tổ chức những cuộc hội thảo, tập huấn để giúp tỉnh Đắk Lắk đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Quá trình này thông thường mất khoảng 4-5 năm, tuy nhiên với sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu thì có thể quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 3 năm.
Hiệp hội phải hoàn thiện đầy đủ hồ sơ chứng minh truyền thống lịch sử trồng cà phê lâu đời; thứ hai là phải chứng minh được sự gắn liền giữa điều kiện tự nhiên của Buôn Ma Thuột với chất lượng của cà phê Buôn Ma Thuột; thứ ba là phải làm rõ hệ thống quản lý để làm sao truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo rằng cà phê tại chính nguồn gốc đó với chất lượng đó.
Hiện, cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã được xuất khẩu tới 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo ông Trịnh Đức Minh, các sản phẩm cà phê bền vững có chứng nhận xuất xứ đang được bán cao hơn giá thông thường khoảng 15%. Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là một cách để khai thác thị trường hàng hóa cấp cao, nâng cao giá trị xuất khẩu của mặt hàng này./.