Sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời về công tác quản lý thuế, hải quan, giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn...
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến phần trả lời về lĩnh vực quản lý thuế, hải quan.
Theo cử tri Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội, đây là 2 lĩnh vực giải quyết nhiều nhất các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của Quốc hội, sáng 16/11/2017. |
Cử tri Mạc Quốc Anh nêu ý kiến: “Băn khoăn hiện nay là khâu thanh tra kiểm tra, mong rằng tới đây Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đẩy mạnh hậu kiểm sẽ giảm thời gian tối đa cho doanh nghiệp. Còn nhiều thủ tục hành chính các giấy phép con còn hiện hữu.
Kỳ vọng tới đây giảm không phải là hình thức mà giảm thực chất để giúp môi trường kinh doanh thuận lợi. Hiện nay, chúng ta đã mở cổng quốc gia một cửa. Mong rằng các ngành các cấp nên xử lý công việc thủ tục theo một cửa, một đầu mối, tháo gỡ các thủ tục chuyên ngành tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.”.
Cử tri Nguyễn Đức Tấn (82 tuổi, trú tại Khu phố 7, Phường 1, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho rằng, vấn đề nợ công và nguồn thu của nhà nước hàng năm nhiều người quan tâm.
"Đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, một số lĩnh vực triển khai chậm, thu hồi vốn không được, nợ trên nhiều lĩnh vực chủ yếu là nợ công, nợ đọng thuế... tất cả những vấn đề đó tôi cũng như nhiều cử tri rất quan tâm." - cử tri Nguyễn Đức Tấn cho biết.
Theo dõi nội dung trả lời về tình trạng buôn lậu, gian lận, hàng gian, hàng giả, cử tri Lê Đức Hưng ở Phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM cho rằng, hiện nay tình trạng này vẫn còn khá tràn lan, gây rối cho công tác quản lý thị trường, thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng...
Cử tri Lê Đức Hưng kiến nghị: "Theo tôi thì chúng ta phải xây dựng được hệ thống pháp lý đồng bộ hoàn thiện để các đối tượng làm hàng gian, hàng giả không còn lợi dụng được những kẽ hở của pháp luật. Các biện pháp chế tài phải đủ sức răn đe thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề này. Tôi kiến nghị phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để các đối tượng không có cơ hội lợi dụng “lách luật” thì mới giải quyết được vấn đề này".
Còn cử tri Đặng Minh Hải, ở phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bày tỏ lo ngại vấn đề thất thoát thuế hiện nay. Theo cử tri, việc thất thoát thuế ngoài những lỗ hổng truyền thống như gian lận hóa đơn, thì có thể thấy việc thu thuế từ hoạt động kinh doanh, buôn bán online thông qua mạng xã hội hiện nay chưa được quản lý triệt để.
Ngoài ra, bên lề phiên chất vấn sáng nay, các đại biểu đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng còn thiếu những giải pháp đột phá.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời còn dài dòng, chưa đi trực diện vào câu hỏi chất vấn. Bên cạnh đó, những kỳ vọng của đại biểu về giải pháp đột phá trong đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý thuế, hay quản lý nợ công vẫn chưa được Bộ trưởng đưa ra.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường: “Đại biểu mong muốn Bộ trưởng đưa ra những giải pháp mang tính chất đột phá, tổng thể. Trong phần trả lời của Bộ trưởng người nghe vẫn cảm thấy những giải pháp đó trước nay Bộ trưởng từng đề cập đến ở đâu đó”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cho rằng, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng một số câu trả lời còn giải thích dài dòng.
“Bộ trưởng phải phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến nợ công đó là do đầu tư công là chủ yếu và vấn đề giải pháp tập trung trong vấn đề sắp tới đó là quản lý việc đầu tư công như thế nào để khắc phục những hậu quả vừa qua mà 12 dự án đầu tư lớn đều thua lỗ.” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết./.