Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chỉ rõ: Luật Thống kê phải đảm bảo số liệu thống kê chính xác, đáp ứng yêu cầu phân tích dự báo, đánh giá và hội nhập, bởi lẽ cốt lõi của vấn đề chính là thống kê phải đảm bảo được tính chính xác và khách quan.
Thống kê Việt Nam không “một mình một chợ”
Làm rõ hơn về tính chính xác của số liệu thống kê, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, số liệu thống kê thời gian qua dù chưa thật chính xác nhưng cũng không đến nỗi bị biến hóa, làm khác hay cố tình được “bóp méo” số liệu. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ trước tới nay chưa từng nhận được bất kì một đề nghị nào để làm khác số liệu thống kê”, Bộ trưởng nói. Đặc biệt, Tổng Cục Thống kê Việt Nam là cơ quan hội nhập thế giới rất sớm và liên tục tham gia hoạt động trong hệ thống thống kê quốc tế. Do vậy phương pháp tính toán luôn được cập nhật các phương pháp thống kê mới nhất.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, mặc dù thống kê của Việt Nam có hệ thống chỉ tiêu rất khác so với quốc tế, bao gồm hai hệ thống chỉ tiêu quốc gia và hệ thống chỉ tiêu của các Bộ, ngành. Hai chỉ tiêu này được thu gọn lại từ rất nhiều chỉ tiêu được đặt ra trước đây, nhưng trong đó hệ thống chỉ tiêu quốc gia là hệ thống mang tính chất cốt lõi, căn bản và phù hợp với thông lệ quốc tế nhất, không thống kê theo kiểu “một mình một chợ”.
“Tổng cục Thống kê đã rà soát lại để không bỏ sót những chỉ tiêu cần phải được đánh giá, có liên quan đến chỉ tiêu thống kê quốc gia với hệ thống chỉ tiêu thống kê của các Bộ, ngành. Quan trọng là khi đưa ra chỉ tiêu phải có khả năng để thống kê, được đo đếm bằng phương pháp khoa học, thống kê không phải ở dạng phác thảo. Đã đưa ra chỉ tiêu là phải có người chứng nhận, trình bày được hệ thống đo đếm, kiểm soát được số liệu từ dưới cơ sở đưa lên để thành một hệ thống chỉ tiêu quốc gia, cứ áng chừng là rất nguy hiểm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh làm rõ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh làm rõ một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thống kê (sửa đổi). |
“Thống kê Trung ương nhiều khi phải đưa ra những con số để điều hành hàng tháng, hàng quý. Biết là những con số này cũng không sai nhiều lắm nhưng vẫn băn khoăn vì những con số này chắc chắn sẽ thay đổi khi được công bố ở thời điểm chính thức, kho đó số liệu mới là chính xác đánh giá độ tăng trưởng. Chính vì những số liệu khác nhau ở từng thời điểm này đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng đây là con số đã được đạo diễn. Trong khi nếu cứ làm theo thông lệ quốc tế, tháng 6 năm sau chốt các chỉ tiêu của chỉ tiêu năm trước, không có con số nào khác thì sẽ không có ai thắc mắc”. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chỉ rõ sự bất cập.
Số liệu đầu vào không chính xác sẽ không có thống kê chính xác
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, các đại biểu Quốc hội không nên quá nghi ngờ về những con số thống kê, chỉ nên băn khoăn dữ liệu đầu vào có chính xác hay không. Bởi lẽ, cán bộ thống kê không có lợi ích gì trong việc tăng hay giảm số liệu thống kê, nhưng trách nhiệm của những người cung cấp thông tin thống kê cần được Luật quy định chặt chẽ.
“Hiện nay rất nhiều người có rất nhiều nhà riêng nhưng khi đến kê khai họ chẳng khai gì cả, nhà đều đứng tên con cái nhưng con cái cũng không kê khai nên số liệu thống kê nhà ở chưa đúng cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả các đại biểu Quốc hội ngồi đây cũng chưa kê khai đúng nên một khi đầu vào không chính xác thì đừng đòi hỏi số liệu thống kê chính xác”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu ví dụ.
So sánh giữa số liệu thống kê của cơ quan thống kê Trung ương với số liệu thống kê của các Bộ, ngành, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Luật quy định trong số 185 chỉ tiêu thống kê thì số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ chiếm khoảng 50%, còn lại là số liệu thống kê của các Bộ, ngành. Tuy nhiên độ chính xác của số liệu thống kê các Bộ, ngành chỉ ở mức độ vừa phải.
“Nếu nói Bộ, ngành chuyên môn có số liệu khách quan hơn là không chính xác. Người ta tự làm ra thành tích thường không khách quan nên số liệu thường “đẹp” hơn cho nên cần phải thẩm định lại cho chính xác để đảm bảo tính khách quan không liên quan đến lợi ích. Hơn nữa, nhiều khi do phương pháp tính khác nhau cũng đưa ra những số liệu thống kê khác nhau, ví dụ như số liệu thống kê về tỷ lệ hộ nghèo của Tổng cục Thống kê bao giờ cũng thấp hơn so với thống kê tỷ lệ hộ nghèo của Bộ Lao động- Thương binh và xã hội”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định..
Đối với việc thẩm định số liệu thống kê, theo Bộ trưởng Vinh, Tổng cục Thống kê là cơ quan thẩm định số liệu của các Bộ, ngành để các số liệu này không thể “biến hóa” số liệu. Bộ trưởng cũng khẳng định, trên thế giới không có bất kì quốc gia nào có Hội đồng thẩm định lại số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ có Hội đồng tư vấn thống kê quốc gia, gồm các chuyên gia tham vấn cho Tổng cục Thống kê về phương pháp, cách tính, tổ chức bộ máy… nhưng trước đây nước ta có hội đồng này nhưng sau đã bãi bỏ.
Làm rõ hơn vai trò của thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, Luật Thống kê sửa đổi chỉ quy định thống kê nhà nước. Tuy nhiên Luật đã tiếp thu và thêm 1 chương về thống kê ngoài nhà nước. Tuy nhiên thống kê nhà nước không phải là những tổ chức chuyên làm thống kê bên ngoài nhà nước, mà chỉ là những tổ chức, cá nhân, cửa hàng tự cung cấp những thông tin thống kê phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh. Cho nên không có cơ quan nào thẩm định thống kê ngoài nhà nước và cũng không ai có quyền cấp phép cũng như ngăn cản hoạt động này.
Tuy nhiên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đề xuất cần có chế tài riêng để cá nhân, tổ chức tự chịu trách nhiệm với những thống kê ngoài nhà nước, nếu việc tự thống kê này làm tổn hại đến lợi ích tập thể, cá nhân sẽ phải được xử lý./.