Sáng 4/10, tiếp tục phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội.
Qua 3 quý, kinh tế tăng trưởng 5,93%. Theo kịch bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, nếu như quý 4 năm nay tăng trưởng 7% thì cả năm sẽ tăng trưởng 6,3%. Còn nếu quý 4 tăng trưởng 7,7% thì cả năm mới đạt được tăng trưởng 6,5%.
Với niềm tin thị trường tăng lên, 9 tháng đầu năm có gần 81.500 doanh nghiệp mới được thành lập. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt trên 16,4 tỷ USD, giải ngân đạt 11 tỷ USD.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, 9 tháng qua, cơ quan này đã mua vào 11 tỷ USD. Con số này thể hiện niềm tin của xã hội vào tiền đồng, chuyển dịch lớn từ nắm giữ ngoại tệ sang tiền đồng, là cơ sở ngân hàng có thể mua ròng ngoại hối, giúp dự trữ ngoại hối hơn 40 tỷ USD. Đây là nguồn lực để Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá trong quý 4, khi nhu cầu ngoại tệ cuối năm thường tăng cao hơn. Cùng với đó, lãi suất huy động ổn định và có thể giảm trong thời gian tới.
Về thu ngân sách, 9 tháng đầu năm thu gần 71% dự toán năm. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa cao, chỉ gần 57%.
Theo Bộ Tài chính, nhiều bộ, ngành địa phương có mức giải ngân vốn đầu tư ngân sách chậm, lý do chính là vướng mắc về thủ tục, trong đó có vốn trái phiếu Chính phủ, 9 tháng mới giải ngân chưa đến 39%. Bộ Tài chính khẳng định, vốn không thiếu, nhưng giải ngân chậm tác động đến tăng trưởng. Do đó, dư địa tăng trưởng cuối năm vẫn còn lớn nếu đẩy mạnh được công tác giải ngân.
Để đẩy mạnh giải ngân, Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm lại Nghị quyết 60 của Chính phủ.
Cũng theo Bộ Tài chính, với mức tăng trưởng dự kiến từ 6,3 - 6,5% trong năm nay, thì phải đảm bảo chặt chẽ việc chi ngân sách. Trong đó phải kiên quyết cắt giảm các dự án không cần thiết, nếu không sẽ dẫn đến bội chi ngân sách./.