Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp về các thủ tục thuế và hải quan, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính vừa tổ chức đối thoại với hơn 500 doanh nghiệp và các hiệp hội ở các tỉnh, thành phía Nam về vấn đề này.
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Bộ Tài Chính chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp. Hiện nay có nơi, trong 9 tháng đầu năm có đến 81% doanh nghiệp báo cáo thuế giá trị gia tăng âm vì không bán được hàng. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều cải cách thủ tục thuế, hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thực hiện Nghị định 63 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, ngành hải quan đã giảm từ 239 thủ tục hải quan  năm 2008 đến nay xuống còn 178 thủ tục. Hiện nay, có hơn 60% trong tổng số  các cục và chi cục  hải quan trong cả nước thực hiện thông quan điện tử.
che%20bien%20thuy%20san%20xk%20tai%20cty%20cuu%20long.jpg
Bộ Tài chính miễn thuế đối với bao bì nhựa PE đóng gói hàng xuất khẩu.(ảnh: báo Hải quan)
Tuy nhiên, các thủ tục về hải quan điện tử và các loại thuế bảo vệ môi trường, giá thuê đất cũng còn rất nhiều vướng mắc mà các  doanh nghiệp tập trung phản ánh. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằngvướng mắc nhiều nhất là những thủ tục hành chính không cần thiết. Việc thông quan điện tử hiện nay thủ tục vẫn còn rườm rà, do phải sử dụng văn bản giấy kèm theo chứ chưa điện tử hoàn toàn, thời gian thông quan còn chậm.
Giải thích về vấn đề này, ông Hoàng Việt Cường Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục Hải quan cho rằng:“Hiện nay chúng ta chưa thể hoàn toàn điện tử được. Về lâu dài, khi có một dự án của Nhật Bản tài trợ thì mới thực hiện được. Còn bây giờ, đang thí điểm nên vẫn còn nhiều vướng mắc, chúng tôi chỉ chọn một số lĩnh vực để hải quan điện tử.”

Một điều bất hợp lý mà nhiều doanh nghiệp bức xúc là về việc tính thuế bảo vệ  môi trường  đối với túi nilong. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh những bất cập này. Vì với thuế này, doanh nghiệp phải đóng 40.000đ/kg đối với bao bì tạm nhập tái xuất. Hiện quy định này đang được sửa đổi và doanh nghiệp sẽ không phải đóng thuế đối với trường hợp này. Tuy nhiên, đến tháng 11 tới quy định này mới được thực hiện. Trong khi, từ tháng 1 đến nay doanh nghiệp vẫn phải đóng thuế và  liệu sau này có được hoàn trả hay không? Bên cạnh đó, việc tính giá cho thuê đất hiện nay vẫn chưa hợp lý giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Với quy định, giá thuê đất được điều chỉnh tăng 5 năm/lần. Đối với doanh nghiệp nước ngoài có mức khống chế là tăng từ 15-20% so với lần trước đó. Trong khi, đối với doanh nghiệp Việt Nam thì không có mức trần nên có nơi tiền thuê đất tăng đến cả chục lần hoặc vài trăm lần. Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Phú Trung, thành phố Hồ Chí Minh cho biết năm 2010 ông thuê đất giá 250 đồng/m2. Hiện nay, Sở Tài chính tp.HCM đang tính lại giá cho thuê và thông báo là giá cho thuê là 5.940 đồng/m2, trong khi, giá  đất trong khu vực này chỉ tăng 30% so với trước.

Trước những bức xúc của các doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục hải quan và thuế, Bộ Tài Chính đã trả lời cụ thể những trường hợp trong phạm vi trách nhiệm của bộ. Còn những vấn đề không thuộc thẩm quyền, Bộ hứa sẽ xem xét và kiến nghị lên cấp thẩm quyền, trong đó đặc biệt chú ý đến  nhóm vấn đề hải quan điện tử. 

Với tinh thần lắng nghe và tìm các giải pháp tích cực để tháo gỡ những rào cản bất hợp lý trong các thủ tục hải quan, thuế của Bộ Tài chính sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh./.