Bộ Công Thương cho biết, trong những ngày gần đây có hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… (hiện tượng này không phải phổ biến, chỉ một số cửa hàng đóng cửa tại một số địa bàn trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động).
Một số nguyên nhân chính là do giá xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng. Do thua lỗ nên nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.
Bên cạnh đó, do nguồn tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước. Cùng với dó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do nhà nước điều hành, nên DN hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ.
Thực tế, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước châu Âu, các DN đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới. Ngoài ra, mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của DN làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.
Để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu trong thời gian tới, theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn Quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu). Về cơ bản lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022, đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
“Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong các tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu, đã được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2022 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và DN.
Trước tình trạng các DN kinh doanh xăng dầu bán hàng cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa, chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối), không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh… để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Bộ Công Thương yêu cầu 2 nhà máy lọc dầu duy trì ổn định hoạt động sản xuất của nhà máy, tăng công suất tối đa ở mức có thể để cung ứng cho thị trường, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.
Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của DN; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các DN giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường. Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tạo điều kiện cho việc thông quan đối với mặt hàng xăng dầu để kịp bổ sung nguồn cung xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cung ứng cho thị trường trong nước./.