"Mạnh tay" đầu tư cơ sở hạ tầng
Theo Bloomberg, mặc dù có quy mô nền kinh tế chưa lớn, song Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chi đầu tư phát triển hạ tầng cao nhất châu Á. Giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực công và tư nhân Việt Nam đã đạt mức bình quân khoảng 5,7% GDP trong những năm gần đây - cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam cần khoảng 480 tỷ USD từ nay cho đến năm 2020 để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (Ảnh minh họa: KT) |
Tại châu Á, mức đầu tư hạ tầng của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc (6,8%), theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong khi đó, mức chi của các nước láng giềng chi tiêu khá khiêm tốn cho hạng mục đầu tư phát triển hạ tầng, chẳng hạn như Indonesia và Philippines (dưới 3% GDP), Malaysia và Thái Lan (chưa tới 2%).
ADB dự báo, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực cần phải đầu tư khoảng 26.000 tỷ USD từ nay đến năm 2030 để xây dựng hệ thống giao thông, tăng khả năng cấp điện và nâng cấp hạ tầng nước và vệ sinh.
Hãng tin Bloomberg nhận định, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh cơ sở hạ tầng nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài để trở thành con hổ tiếp theo của châu Á.
Việt Nam chi đầu tư hạ tầng thuộc hàng cao nhất châu Á (Nguồn: ADB, Bloomberg) |
Bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ANZ ở Singapore cho hay, nếu Việt Nam muốn cạnh tranh thu hút đầu tư thì chi phí nhân công thấp là chưa đủ. Theo chuyên gia này, Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng đủ tốt để lôi kéo các công ty đặt nhà máy. Các hoạt động đầu tư phát triển đang được mở rộng, sân bay và đường sá đang được xây dựng khắp cả nước.
Những nỗ lực này đã được đền đáp xứng đáng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 15,8 tỷ USD trong năm 2016. World Bank (WB) cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6% cho đến năm 2019, nằm trong nhóm tăng trưởng nhanh nhất thập kỷ này.
Cuộc đua hạ tầng nhiều gian nan
Tuy vậy, Bloomberg chỉ ra khá nhiều thử thách khó khăn mà Việt Nam phải đương đầu trong thời gian tới. Quốc gia này cần khoảng 480 tỷ USD từ nay đến năm 2020 cho đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.200 MW và 1.380 km đường cao tốc.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh kế hoạch thu hút đầu tư cho cơ sở hạ tầng, do ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu tài chính.
Ông Rana Hasan, Giám đốc bộ phận kinh tế phát triển của ADB cho hay, tỷ lệ đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam có thể chưa tới 10%. Trong khi đó tại Ấn Độ, khu vực tư nhân đóng vai trò khá lớn, chiếm tới hơn 30% tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.
Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang tìm cách bắt kịp xu thế này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bắt tay vào mục tiêu tham vọng khi dự định nâng mức chi cho cơ sở hạ tầng lên 7% GDP, tương đương khoảng 160 tỷ USD từ nay đến năm 2022.
Trong khi đó, sau một thời gian vật lộn để có được ngân sách cho cơ sở hạ tầng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang đốc thúc một loạt dự án ở quốc gia vạn đảo, bao gồm một tuyến cao tốc nối liền các đảo chính và một tuyến đường sắt dài 720 km từ Jakarta đến Surabaya./.