Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134 km với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rạn san hô…. Để bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển, tỉnh Bình Định chú trọng phát triển kinh tế biển bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Đầm Thị Nại nằm cách thành phố Quy Nhơn 8km về phía Đông Bắc, là đầm nước mặn lớn nhất Bình Định và có hệ sinh thái phong phú với nhiều loại động, thực vật quý. Trong đó, thảm cỏ biển có tới 25 loài; hệ động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá, có hàng trăm loài chim… Ngư dân ngày càng ý thức hơn trong bảo vệ các loài thủy hải sản quý hiếm. Điển hình như cuối tháng 4 vừa qua, trong lúc đánh cá trên đầm Thị Nại, ngư dân Võ Ngọc Lai (55 tuổi), ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn phát hiện một cá thể vích biển nặng 39kg dính vào lưới của mình. Ông Lai đã liên hệ với cơ quan chức năng và giao lại cá thể vích này cho Chi cục Thủy sản Bình Định thả về biển.

“Cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh đã nhận cá thể vích và đi thả, nếu người tự thả sẽ có người khác bắt lại. Từ hồi tôi bắt được vích và giao lại cho Chi cục, bà con cũng làm theo như vậy, không đem dám bán như trước. Nếu bán loại này cơ quan chức năng bắt được phạt nặng, bà con ngư dân theo gương, người sau tiếp nối người trước để bảo tồn cá thể quý”, ông Lai cho biết.

Những năm gần đầy, nguồn lợi thủy sản ven bờ của tỉnh Bình Định suy giảm mạnh. Để khôi phục nguồn lợi thủy sản ven bờ, Chi cục Thủy sản Bình Định tập trung tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 đến với ngư dân; tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt. Từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại rạn san hô cho 4 tổ chức cộng đồng ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn. Mô hình này vừa phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân mang lại hiệu quả cao. Đây cũng là giải pháp giúp người dân ven bờ chuyển đổi nghề đánh bắt ven bờ trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản suy kiệt.

Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, ngành thủy sản tỉnh ngăn chặn đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện, triển khai phong trào toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 31 xã, phường ven biển.

“Ở những khu vực vùng ven biển có hệ sinh thái đa dạng, Chi cục cố gắng phối hợp với các ngành, địa phương thành lập các tổ chức cộng đồng. Chi cục xác định không có ai mà bảo vệ thủy sản tốt và bền vững nhất chính là cộng đồng dân cư tại địa phương”, ông Dương nêu rõ.

Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã quy hoạch, hướng dẫn phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, các dự án nuôi với quy mô lớn đều phải có hệ thống xử lý nước thải trước khi thải ra biển. Bình Định đã hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, Ngành sẽ giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao khu vực ven biển.

“Việc đầu tiên là Sở sẽ kiểm soát tất cả các nguồn thải, đặc biệt các nguồn thải dọc biển, sau đó đánh giá hiện trạng môi trường biển, cho đến thời điểm hiện nay các mẫu môi trường biển phần lớn nằm trong giới hạn cho phép. Trong năm 2023, Sở sẽ đầu tư sẽ đầu tư trạm quan trắc môi trường nước biển tự động tại thành phố Quy Nhơn”, bà Hương cho biết.

Hiện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đang tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ đi đôi với thực hiện công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Mặt khác, Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt.

“Sắp tới trong phát triển kinh tế biển cũng cần giảm cường lực khai thác, tăng phát triển mạnh về nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản cần tập trung đẩy mạnh nuôi ứng dụng công nghệ cao để vừa đảm bảo được sản lượng thủy sản, vừa đảm bảo được nguồn lợi thủy sản bền vững cho khai thác lâu dài”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết.

Tỉnh Bình Định đang xây dựng vùng ven biển của tỉnh thành trung tâm công nghiệp - đô thị - du lịch - dịch vụ. Trước mắt, địa phương tập trung phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”. Bình Định xác định, phát triển theo thứ tự ưu tiên, đó là đầu tư phát triển du lịch biển và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; phát triển lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp và đô thị ven biển./.