Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nhất là các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế, các loài cá quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Sóc Trăng, và UBND huyện Trần Đề tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực cửa biển Trần Đề , huyện Trần Đề.

Tại buổi lễ, Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng phát biểu về ý nghĩa của hoạt động phóng sinh trong phục hồi nguồn lợi thủy sản và chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tăng ni, phật tử.

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thuỷ sản Sóc Trăng cho biết, đây là hoạt động thường niên trong khuôn khổ kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thủy sản. Việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế vào vùng nước tự nhiên góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản trong vùng biển, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập của ngư dân và ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển bền vững nghề cá. Không chỉ thả con giống thủy sản trong ngày hôm nay, sắp tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục thực hiện thả thêm nhiều con giống về biển vào dịp 30/4 và 1/5.

Tại buổi lễ, đã có khoảng 4,3 triệu con giống thủy sản (trong đó khoảng 4 triệu tôm sú giống, 300.000 cua biển giống) được thả xuống vùng biển tự nhiên. Các con giống thủy sản một phần từ ngân sách, còn lại chủ yếu vận động các doanh nghiệp, ngư dân, người hoạt động trong ngành thủy sản đóng góp. Các con giống đều được kiểm tra, khỏe mạnh và sạch bệnh  trước khi thả xuống vùng biển, dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương, sinh sản và phát triển nhanh trong môi trường tự nhiên.

Dịp này, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản tặng bằng khen cấp Bộ cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản và tặng 100 suất học bổng, mỗi suất 500 ngàn đồng cùng quà cho một số em học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ở địa phương.

Tại thành phố Cần Thơ, phát biểu tại buổi thả cá, ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là năm thứ 10 liên tiếp địa phương tổ chức phong trào thả cá ra môi trường tự nhiên. Đến nay, đã 9 địa bàn quận, huyện của thành phố đều có tổ chức thả cá, phong trào thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày càng lan tỏa trên và ngày càng có nhiều sự quan tâm tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ thông tin, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thanh tra chuyên ngành thủy sản đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài thành phố thực hiện tuần tra kiểm soát và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố và khu vực giáp ranh các tỉnh lân cận.

“Cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nó có rất nhiều nguyên nhân, cái thứ nhất là vấn đề khai thác và vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng như một số cái tác động khác. Do vậy để khôi phục thì phải thực hiện đồng loạt các giải pháp, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường cũng như công tác thả cá để tái tạo nguồn lợi là việc làm rất là cần thiết, bước đầu để bảo vệ và các nguồn lợi thủy sản”, ông Yên nói.

Tại buổi phát động thả cá, Cần Thơ đã thả một một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy sinh trong các thủy vực. Trong đó, thả khoảng 150.000 con cá giống các loại gồm những loại thủy sản bản địa có giá trị kinh tế, các loài cá quý hiếm, riêng tại điểm quận Ninh Kiều thả 40.000 con cá giống.

Tại tỉnh Vĩnh Long sáng nay lễ thả cá được tổ chức tại huyện Bình Tân. Trước khi thả cá ngành nông nghiệp địa phương ôn lại truyền thống 63 năm thành lập và những thành tựu đạt được của ngành Thủy sản tỉnh trong những năm qua. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của ngành Thủy sản trong giai đoạn tới.

Sau buổi lễ, các đại biểu đã thả gần 200.000 con cá giống các loại xuống sông để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Số cá giống này do ngành Nông nghiệp tỉnh vận động 30 tổ chức, cá nhân kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đóng góp. Đây là hành động thiết thực trong việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản, góp phần tăng thêm trữ lượng nguồn lợi thủy hải sản trong vùng nước tự nhiên và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ông Tạ Văn Thảo, Phó chi cục trưởng, Chi cục chăn nuôi Thú ý và thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết từ nhiều năm nay, địa phương triển khai và thực hiện nhiều giải pháp tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

“Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ở tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện từ 10 năm nay, qua đó làm cho ý thức người dân được nâng cao, nguồn lợi thủy sản được phục hồi, thường xuyên kiểm tra xử lý tăng cường công tác thanh kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn có hiệu quả các vi phạm”, ông Thảo cho hay./.